Giao thông đi trước, mở đường cho nông thôn đổi mới

Cập nhật, 11:44, Thứ Tư, 11/11/2020 (GMT+7)

 

Nhờ giao thông thuận lợi đã giúp cho hàng nông sản sau thu hoạch được vận chuyển dễ dàng.
Nhờ giao thông thuận lợi đã giúp cho hàng nông sản sau thu hoạch được vận chuyển dễ dàng.

Trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như “mạch máu” của cơ thể sống. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống hạ tầng giao thông luôn được quan tâm đầu tư “đi trước một bước” nhằm đảm bảo kết nối giữa các địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn.

Đổi thay trên những con đường

Trở về xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân), chúng tôi cảm nhận bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhiều tuyến đường đất, cầu khỉ ọp ẹp ngày nào giờ đã được bê tông hóa, nhựa hóa kết nối với các địa phương, khu vực sản xuất nông nghiệp...

“Giao thông bây giờ vô cùng thuận lợi, đường liên xã nối liền tận huyện, ấp liền ấp, xóm liền xóm, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản thật dễ dàng”- ông Trần Văn Biết (ấp Mỹ Hòa) phấn khởi và nhận định: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở nông thôn có cuộc sống tốt đẹp như ngày nay”.

Trước đây, ông Biết hiến trên 300m2 đất trồng vú sữa để làm đường giao thông. “Phần đất này nếu không hiến cũng cho huê lợi vài triệu đồng/năm”- ông Biết kể.

Song, nhờ tuyến đường được xây dựng xẻ vườn ra làm 2 nên khá thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và bán được giá hơn. Giờ đất ra mặt tiền, ông Biết mở quán cà phê có thêm thu nhập, nhờ vậy đời sống ngày càng ổn định.

Theo ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH Nông trang Island (ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh- Long Hồ), hồi xưa người dân ở nông thôn rất vất vả, một phần là do đường sá đi lại khó khăn. Giao thông chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến kinh tế- xã hội kém phát triển.

Việc giao thương hàng hóa không thuận lợi, nên đầu vào sản xuất gia tăng do tốn chi phí, thời gian vận chuyển, dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ kém... ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân.

Song, thời gian gần đây, xã Hòa Ninh đã có sự thay đổi vượt bậc nhờ đầu tư hệ thống cầu, đường thông suốt.

“Giao thông thuận tiện, bà con mình vui không thể tả vì hàng hóa muốn xuất khẩu, xây dựng kho chứa, chế biến nông sản… mà không có đường đi thì không thể làm được”- ông Nguyễn Trí Nghiệp nói và cho rằng- “có đường sá, an ninh trật tự được đảm bảo hơn, việc điều động lực lượng công an về nông thôn khá dễ dàng”.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc (Tam Bình) Trần Công Khánh cho hay, 5 năm qua (2015- 2020) xã đã vận động nhân dân hiến 250.000m2 đất và đóng góp trên 7,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi.

Qua đó, góp phần giao thương thuận lợi, chính trị ổn định, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần của người dân và bộ mặt nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Trên thực tế, sau khi các tuyến đường được đầu tư, đã thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương ngày càng phát triển, những căn nhà tường khang trang, các cơ sở sản xuất- kinh doanh, thương mại- dịch vụ, công trình hạ tầng nông thôn... cũng “mọc lên như nấm” dọc theo các con lộ, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống dân sinh.

Phát triển giao thông phục vụ sản xuất và du lịch

Giai đoạn 2015- 2020, toàn huyện Long Hồ thực hiện gần 29km đường cấp A (đường tỉnh, đường huyện), nâng tổng số thực hiện được gần 144km; phát triển gần 110km đường cấp C (liên xóm), nâng toàn huyện có trên 267km đường liên xóm. Đồng thời đã xây dựng 10km đường giao thông ở các xã cù lao phục vụ du lịch.

Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, việc đầu tư phát triển giao thông gắn thủy lợi đã tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cùng xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; tạo sự kết nối giao thông khép kín trên địa bàn 4 xã cù lao; tạo điều kiện cho các cơ sở du lịch phát triển dịch vụ đạp xe tham quan trải nghiệm.

Sau khi giao thông kết hợp thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều địa phương tuyên truyền, vận động người dân trồng hoa và lắp đặt đèn chiếu sáng tạo cảnh quan sáng- xanh- sạch- đẹp, tạo được lợi thế cạnh tranh, thu hút khách du lịch của loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình: Thời gian tới, cần quan tâm đầu tư các công trình giao thông trọng điểm đến tận ấp phục vụ sản xuất. Coi giao thông thật sự là động lực, là nguồn thúc đẩy, có tác động tích cực đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững, góp phần đổi mới kinh tế- xã hội ở nông thôn, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Thời gian tới, huyện Long Hồ sẽ tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới giao thông để đầu tư các công trình quan trọng, thiết yếu tạo sự kết nối hài hòa, đồng bộ giữa các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đi qua đường huyện, đường xã để từng bước hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như tạo sự gắn kết giữa phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhằm phát triển kinh tế- xã hội.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, từng bước đồng bộ, đặc biệt là giao thông nông thôn đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn.

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng được đầu tư mở rộng và từng bước hoàn chỉnh, đảm bảo kết nối các đô thị, trung tâm thương mại- dịch vụ, các vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực công nghiệp tập trung, các đầu mối giao thông của địa phương.

Các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện được đầu tư có sự kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân giai đoạn hiện tại.

Trong 5 năm qua, tỉnh đã cân đối sử dụng các nguồn vốn ngân sách và vốn huy động trong dân để đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn đạt chuẩn theo quy hoạch, nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, kết nối tốt với vùng ĐBSCL, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 50/87 xã đạt tiêu chí giao thông và có 10 xã đăng ký, xây dựng kế hoạch thực hiện đạt tiêu chí giao thông. Ngoài các công trình của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020 được hỗ trợ của ngân sách nhà nước, BCĐ các huyện và xã vận động nhân dân đóng góp xây dựng các tuyến đường liên xóm, rải đá các tuyến đường dân sinh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tổng nguồn vốn thực hiện tiêu chí giao thông đạt 261,75 tỷ đồng, bố trí cho 102 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã được thông báo vốn và đang triển khai các bước thực hiện.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN