Doanh nghiệp tham gia hội chợ, phiên chợ

Kênh kết nối hiệu quả, thiết thực

Cập nhật, 05:34, Thứ Tư, 11/11/2020 (GMT+7)

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), tham gia các hội chợ, phiên chợ không chỉ là cơ hội quảng bá sản phẩm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong kích cầu tiêu thụ nội địa, hình thành thói quen tiêu dùng các sản phẩm trong nước cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm thế nào để tham gia hội chợ, phiên chợ thật sự đạt hiệu quả?

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ, phiên chợ.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ, phiên chợ.

Cơ hội kích cầu thị trường

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), hội chợ, phiên chợ là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, đem lại hiệu quả cao.

Bên cạnh việc góp phần thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương thì hội chợ triển lãm còn là nơi “hội tụ” các hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nơi mà DN giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh thương hiệu đến khách hàng và các đối tác tiềm năng.

Nhiều DN cũng cho rằng, hội chợ luôn là một cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, tiếp nhận được ý kiến phản hồi của khách hàng nhanh hơn, tạo dấu ấn cho khách hàng dễ hơn.

Nếu chỉ giậm chân một chỗ tại nơi sản xuất hay cửa hàng thì một ngày có thể có vài chục khách hàng ghé qua nhưng khi tham gia hội chợ thì lượng khách ghé xem cũng tăng hơn gấp nhiều lần.

Và gặp được nhiều người thì cơ hội chào hàng càng tăng hơn, nếu tiếp thị tốt thì số đơn hàng thành công sẽ cao hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cả ở khu vực nông thôn và thành thị thì những hội chợ, phiên chợ “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” càng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển thị trường cho hàng Việt Nam hiện nay.

Nhiều năm gắn bó với các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt Nam về vùng sâu, vùng xa tại Vĩnh Long, chị Mai- Hộ kinh doanh Hữu Nghĩa, chuyên sản xuất trà (Châu Thành- An Giang) cho hay: “Chúng tôi rất phấn khởi khi những lần quay lại đều gặp gỡ những khách hàng đã từng mua sản phẩm của mình. Thông qua các hội chợ giúp DN đưa được hàng hóa của mình đến các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực mà chúng tôi sản xuất, kinh doanh phải chịu sự cạnh tranh nên chúng tôi ý thức phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã để người Việt Nam được dùng hàng Việt Nam chất lượng cao mà giá thành hợp lý”.

Vừa mới tham gia hội chợ Thương mại, kích cầu tiêu dùng và đồ gỗ mỹ nghệ tại Tam Bình và Trà Ôn, chị Phạm Thị Phượng- Chủ hộ kinh doanh Vân Phượng (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh)- cho hay: “Đây là hội chợ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp cơ sở khởi động lại chuỗi tiêu thụ sau dịch COVID-19, đồng thời mở rộng kênh phân phối bán hàng. Qua đó, tạo điều kiện cho cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Thực tế cho thấy, thị trường nội địa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được nhiều DN tích cực triển khai.

Không còn tâm lý theo hội chợ để bán hàng, tăng doanh số mà DN đã nhận thức đây là kênh để tiếp cận khách hàng, “quảng bá sản phẩm là mục tiêu quan trọng nhất khi tham gia hội chợ”- chị Phượng cho hay.

Làm gì để nâng hiệu quả?

Có thể thấy, hội chợ, phiên chợ là những hoạt động cụ thể, giải pháp thiết thực giúp DN tháo gỡ khó khăn, là đòn bẩy hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu, phát triển thị trường trong nước.

Tuy vậy, không phải hội chợ nào cũng mang lại thành công cho các DN, nhất là trong bối cảnh hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức rất nhiều như hiện nay.

Tại một số hội chợ, nhiều người tiêu dùng cho rằng, hàng hóa chưa phong phú, đa dạng; còn có hiện tượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào hội chợ, phiên chợ.

Trong khi đó, một số DN khi tham gia chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Để các hội chợ thương mại mang lại hiệu quả thiết thực, ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại- cho rằng: Khi tham gia hội chợ, triển lãm, các DN phải chủ động trong việc tìm kiếm thị trường, các nhà phân phối tại địa phương, đồng thời, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng tại đây.

Bên cạnh đó, phải lựa chọn một hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của người mua, quảng bá sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Nhiều DN cũng cho rằng, tham gia hội chợ chỉ là bước đầu kết nối giao thương, thành hay bại là ở những bước tiếp theo.

Nếu tham gia hội chợ lần đầu chưa gặt hái được thành công thì DN không nên nản lòng và bỏ cuộc, nhất là những cơ sở, DN nhỏ. Khi tham gia hội chợ, DN phải chú ý khách hàng tìm hiểu cái gì, cần gì, sau đó liên lạc với khách để thăm dò ý kiến.

Nếu không liên lạc gì với khách hàng sau khi tham gia hội chợ có nghĩa là DN đã tự đánh mất cơ hội. Song song đó, DN cần có sự đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tích cực nghiên cứu thị trường để cung ứng các mặt hàng phù hợp với địa phương tại mỗi nơi tham gia.

Đồng thời, bên cạnh sự tự nỗ lực của DN, ngành chức năng cũng cần quan tâm bố trí kinh phí, tổ chức các phiên chợ thường xuyên và quy mô hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, siết chặt kiểm tra chất lượng hàng hóa tại hội chợ, không để hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trà trộn vào.

Qua đó, góp phần giúp cơ sở, DN- nhất là DN trong tỉnh- có cơ hội đến gần hơn với người dân nông thôn, góp phần giúp sản phẩm địa phương phát triển thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh và vươn xa hơn đến các thị trường tiềm năng khác.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN