Để Vĩnh Long trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL

Cập nhật, 08:34, Thứ Năm, 29/10/2020 (GMT+7)

 

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, nhiều doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Vĩnh Long được xếp loại đạt trình độ phát triển “khá bền vững” vào năm 2020. Và để trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL giai đoạn tiếp theo, tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển, tập trung vào 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (gọi tắt là NQ12) về các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020 mới đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thách thức, cơ hội, cũng như sự chủ động, tích cực của tỉnh thời gian tới.

Kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Thực hiện NQ12, Sở Kế hoạch- Đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học về “Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020”, nhằm đánh giá hiện trạng trình độ phát triển và hàm ý chính sách nâng tầm phát triển của tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Các đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa vào chương trình hoạt động, thực hiện hàng năm tại đơn vị mình.

Theo đó, NQ12-NQ/TU đề ra 23 chỉ tiêu. Ước đến cuối năm 2020, thực hiện đạt 11/23 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong 12 chỉ tiêu không đạt, có 6 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu xã hội.

Đánh giá về kinh tế, tăng trưởng giai đoạn này đi vào chiều sâu nhờ việc thực hiện tập trung cơ cấu lại nông nghiệp, ngành công thương và các chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh sản phẩm.

GRDP giai đoạn này tăng bình quân 4,93%, không đạt kế hoạch đề ra (7,5%). Tuy tốc độ tăng không bằng giai đoạn trước (5,9%/năm), nhưng nếu nhìn vào những tác động như: dịch bệnh, thiên tai thì GRDP vẫn đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh, với nguồn lực còn hạn chế nhưng tỉnh tập trung ưu tiên, huy động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp, giáo dục bậc cao và phát triển đô thị… góp phần đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế phi nông nghiệp đạt 64,8%, tăng 5,2% so năm 2015.

Khu vực kinh tế tư nhân phát triển hướng bền vững, từng bước đa dạng ngành nghề hoạt động; quy mô bình quân một doanh nghiệp đạt 9,68 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015; dự án FDI thu hút chiếm 62% tổng số dự án và chiếm 77% số vốn FDI từ trước đến nay.

Phát triển sản xuất đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi thích ứng hạn mặn, phù hợp từng địa phương. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 240 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa được nâng cao.

Tỉnh đã tập trung lãnh- chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tạo việc làm mới 128.441 lao động, đạt 135% chỉ tiêu, trong đó lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 6.651 người, đạt 166% chỉ tiêu.

Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Môi trường được quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững; kiểm soát chặt chẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo chất lượng môi trường sống của người dân.

Trong mối quan hệ với ĐBSCL về trình độ phát triển kinh tế, nếu năm 2018 Vĩnh Long xếp thứ 8/13 tỉnh- thành, thì năm 2020 xếp thứ 6. Chỉ số thành phần xã hội thứ 3/13 tỉnh- thành có trình độ phát triển cao nhất trong khu vực và chỉ số phát triển môi trường xếp thứ 4 trong vùng…

Chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Tuy nhiên, hạn chế của tỉnh hiện nay là chỉ số phát triển bền vững về kinh tế của tỉnh ở mức thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, quy mô nền kinh tế khá nhỏ so với vùng…

Ông Võ Quốc Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp, quy mô nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chậm. Bên cạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng tốc độ chậm và vẫn là 1 trong 3 địa phương có kim ngạch xuất khẩu thấp trong vùng…

Trong thời gian tới, ông đề nghị cần quyết tâm thực hiện cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số quản trị hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần chuyên nghiệp việc xúc tiến đầu tư, khuyến khích dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu tại chỗ; đồng thời phân tích điểm mạnh- yếu, xác định dư địa tăng trưởng của ngành, lĩnh vực để đầu tư phù hợp.

Còn theo ông Trương Thành Dãnh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay. Nhiều cây trồng có thế mạnh như cây có múi, khoai lang đứng đầu khu vực và cả nước về diện tích nhưng bấp bênh đầu ra, thiếu liên kết. Các tổ hợp tác còn yếu kém trong hoạt động, mô hình bao tiêu sản phẩm chưa nhiều.

“Thời gian qua chúng ta có làm liên kết nhưng không duy trì. Còn trái cây chủ yếu tự sản tự tiêu chứ chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia”- ông Trương Thành Dãnh nêu thực tế và đề nghị rất cần sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Còn theo nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Vinh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh không tốt lắm, dù Vĩnh Long có lợi thế rất lớn so với tỉnh khác.

Nằm ở trung tâm khu vực ĐBSCL tiếp giáp 7 tỉnh là lợi thế rất lớn trong tiếp cận. Cách TP Hồ Chí Minh hơn 140km nhưng đường xe mãi chưa xong. Trường ĐH phát triển nhiều nhưng để tốt hơn thì rất khó cạnh tranh với các trường ở thành phố lớn.

“Nếu phát triển theo hướng đau đâu chữa đó, tôi nghĩ đó không phải là hướng. Kinh tế không tốt mà chúng ta muốn cải thiện nó thì ảnh hưởng môi trường, xã hội. Càng nhiều khu công nghiệp thì chúng ta có quản lý được về môi trường, chất thải hay không. Vô hình trung hạ chỉ tiêu xã hội, môi trường- lại rơi vào vòng luẩn quẩn”- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh nêu băn khoăn, đồng thời kiến nghị tương lai xa hơn nên tính phương án tổng thể là kinh tế, xã hội và môi trường. Sản xuất hướng đầu tư vào công nghệ sinh học để phát triển cây- con giống cung ứng cho khu vực.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (gọi tắt là NQ12) về các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020 mới đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thách thức, cơ hội, cũng như sự chủ động, tích cực của tỉnh thời gian tới.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy (gọi tắt là NQ12) về các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020 mới đây, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thách thức, cơ hội, cũng như sự chủ động, tích cực của tỉnh thời gian tới.

Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đánh giá từ khi có NQ12 các tiêu chí về giảm nghèo, nước sạch xử lý môi trường, GD-ĐT, chính sách an sinh xã hội thực hiện đạt kết quả rất lớn. Việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm- là nỗ lực…

Tuy nhiên, hạn chế là vẫn còn một số cấp ủy chỉ đạo chưa quyết liệt theo nghị quyết. Việc khai thác tiềm năng lợi thế địa phương chưa triệt để, huy động nguồn lực trong dân, doanh nghiệp chưa cao, khiêm tốn. Ông yêu cầu thời gian tới phải thực hiện trên tinh thần quyết liệt, nhất là trong phát triển du lịch phải thực hiện nhanh các đề án như: Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL, Đề án di sản đương đại Mang Thít.

Đồng thời, cần suy nghĩ phải làm gì cho nó khác biệt sản phẩm, loại hình với các tỉnh xung quanh. Bên cạnh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề- nhất là vấn đề giải quyết việc làm; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG