"Trợ lực" phát triển kinh tế nông hộ

Cập nhật, 21:28, Thứ Tư, 28/10/2020 (GMT+7)

Anh Trung đã chuyển đổi mô hình nuôi dê khá hiệu quả và thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê để cùng bà con phát triển kinh tế.
Anh Trung đã chuyển đổi mô hình nuôi dê khá hiệu quả và thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi dê để cùng bà con phát triển kinh tế.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Long Hồ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã “trợ lực” cho nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng ổn định, góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hộ có thu nhập 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2- 3 lần

Cách nay hơn 4 năm, gia đình ông Phan Văn Thành (ấp Phước Bình A, xã Phú Quới) được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Long Hồ 21 triệu đồng để chăn nuôi bò.

Từ 3 con bò giống lúc đầu, ông Thành đã tăng lên 14 con. Vừa rồi, ông cho xuất chuồng 11 con thu được số tiền hơn 200 triệu đồng. “Tui nuôi bò cách nay hơn chục năm nhưng không hiệu quả, nhờ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, được đi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ bò giống tốt mà mấy năm nay đời sống ổn định hơn”- ông Thành cho biết.

Với trang trại nuôi hơn 100 con dê, anh Phan Thanh Trung (ấp Thanh Hưng, xã Thanh Đức) thu lời hơn 500 triệu đồng/năm. Kết quả này, ngoài sự cần cù chịu khó, phải kể đến nguồn vốn vay ưu đãi (50 triệu đồng) từ Ngân hàng CSXH huyện vào năm 2011.

Từ đây, anh Trung đã đầu tư làm chuồng và mua 3 con dê về nuôi, với phương châm “chậm mà chắc” cộng với việc chịu khó, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nên đàn dê của anh tăng dần theo từng năm. Hiện, anh Trung là tổ trưởng Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản xã Thanh Đức.

Anh Trung chia sẻ, cùng nhờ đồng vốn vay Ngân hàng CSXH hỗ trợ kịp thời cộng với được Hội Nông dân xã hỗ trợ tập huấn và gần đây tổ hội được tiếp cận thêm nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương hội mà tôi cùng anh em trong tổ chăn nuôi dê có thêm “trợ lực” để phát triển kinh tế, nhờ vậy mô hình chăn nuôi dê ở địa phương ngày càng khởi sắc. Hướng tới tổ sẽ nâng đàn lên để cho bà con có cơ hội phát triển kinh tế, nâng thu nhập.

Theo ông Lê Minh Thiện- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Hồ, giai đoạn 2015- 2020, từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH ủy thác, đã hỗ trợ cho 4.730 hộ hội viên vay các chương trình hơn 97 tỷ đồng và đã giải quyết việc làm cho 9.460 lao động.

Từ khi thành lập chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với cơ chế thị trường, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho hội viên. Hiện nay, số hộ có thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2- 3 lần so những năm trước.

Hộ nghèo giảm còn 1,43%

Trong những năm qua, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Long Hồ đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình.

Đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Long Hồ đã giải quyết cho hơn 500 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với gần 20 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng, chính sách đã góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng NTM và góp phần ổn định tình hình chính trị- xã hội tại địa phương.

Để nguồn vốn vay chính sách có hiệu quả, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhận ủy thác, thường xuyên tổ chức kiểm tra chất lượng hoạt động của tổ vay vốn, tổ chức hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học- kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, đã giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp ông Thành đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả, ổn định cuộc sống.
Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp ông Thành đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ, hiện Huyện Đoàn đang quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện 13 tỷ đồng để hỗ trợ cho thanh niên trong huyện vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp cho nhiều thanh niên vươn lên khấm khá. Huyện Đoàn còn hỗ trợ 2 mô hình khởi nghiệp là nuôi lươn không bùn và nuôi thỏ kết hợp chuột lang.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nợ quá hạn, lãi tồn đọng; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại các xã- thị trấn; thường xuyên tập huấn cho các hội, đoàn thể, tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, phối hợp kiểm tra tình hình cho vay hộ nghèo và hiệu quả sử dụng vốn vay”- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Long Hồ Phan Kim Ngân cho biết.

Từ hiệu quả của nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện Long Hồ đã góp phần không nhỏ giúp mức tăng trưởng bình quân trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện trong 5 năm qua đạt 2,48%.

Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp bình quân đạt 152 triệu đồng/ha, nông dân trong huyện cũng đã xây dựng được hơn 1.200 mô hình sản xuất nông nghiệp cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng/năm (2015) lên 45 triệu đồng/năm (2019), hộ nghèo giảm từ 4% xuống còn 1,43%.

Bà Nguyễn Thị Út- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Long Hồ: Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 14/14 xã đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM. Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Long Hồ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,85%/năm trở lên và đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,69%. Để đạt được mục tiêu trên, huyện sẽ triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo trong đó sẽ đa dạng hóa nguồn vốn huy động và nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, xã; đẩy mạnh hỗ trợ theo chiều thiếu hụt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN- PHƯỚC GIANG