Mang Thít: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật, 04:40, Thứ Tư, 01/01/2020 (GMT+7)

Theo ngành nông nghiệp huyện Mang Thít, trong 2 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn. Qua đó, địa phương đang có nhiều hướng phát triển cũng như đề xuất để phát triển bền vững và nhân rộng các mô hình này…

Quy trình sản xuất Snack nấm tại Công ty An An.
Quy trình sản xuất Snack nấm tại Công ty An An.

Đa dạng hóa, tăng giá trị sản phẩm

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Mang Thít, trong năm 2019, chương trình giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm. Đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khuyến nông với gần 2.000 lượt nông dân tham gia.

Đó là một trong những yếu tố hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến sản xuất bền vững, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ, trong đó, khá nhiều mô hình có hướng phát triển bền vững và có thu nhập khá như mô hình nuôi chồn hương, sản xuất dưa lưới trong nhà màng, sản xuất nấm bào ngư, trồng hoa cúc Đà Lạt,…

“Hầu hết các mô hình đều ứng dụng khoa học kỹ thuật, có những mô hình góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Các mô hình này đều có khả năng áp dụng rộng rãi, góp phần tạo việc làm, thêm thu nhập cho người dân địa phương”- ông Trương Tấn Được chia sẻ.

Gần đây, Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước) là địa điểm thu hút nhiều nông dân đến học tập kinh nghiệm cũng như là địa chỉ để ngành nông nghiệp địa phương giới thiệu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện tại, công ty sản xuất nấm bào ngư theo quy trình công nghệ cao cũng như nghiên cứu, cung cấp phôi nấm và nấm thành phẩm.

Công ty An An cũng đang hoàn thiện quy trình sản xuất và sẽ chính thức đưa ra thị trường sản phẩm Snack nấm bào ngư. “Nhu cầu về thực phẩm sạch rất lớn và mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang dần thu hút nhiều người tham gia.

Tại công ty, đa dạng hóa sản phẩm nấm bào ngư chính là động lực để mô hình nông nghiệp cao phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cũng như tạo thêm giá trị cho một sản phẩm nông nghiệp”- bà Cao Thúy An- Giám đốc Công ty An An- chia sẻ.

Với ý tưởng mang hoa Đà Lạt về vùng đất Mang Thít trồng, nhằm cung cấp cho thị trường Vĩnh Long còn rộng mở, chị Lê Thị Bích Ngọc (xã Long Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư nhà kính rộng 5.000m2.

Trải qua những khó khăn bước đầu, hiện vườn hoa của chị Ngọc đã đạt được năng suất và chất lượng như mong muốn. “Làm nghề trồng hoa cần nắm rõ kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao.

Nếu có điều kiện thuận lợi thì thời gian tới sẽ mở rộng quy mô, đạt các tiêu chuẩn cao hơn. Đồng thời, cũng sẽ xây dựng mô hình trưng bày hoa kết hợp du lịch, phục vụ khách tham quan”- chị Bích Ngọc chia sẻ.

Thực hiện tốt cơ cấu ngành nông nghiệp

Mô hình sản xuất rau thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng.
Mô hình sản xuất rau thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng.

Năm 2019, tuy ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố khách quan và dịch bệnh. Song, các chỉ tiêu, kế hoạch đều đạt và vượt.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản ước đạt 2.548 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch và tăng hơn 3% so cùng kỳ.

Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 2.194 tỷ đồng, đạt 99,2% so kế hoạch và tăng 2,47% so cùng kỳ.

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện đã phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh triển khai 16 dự án sản xuất với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Qua đó, một số mô hình được Nhà nước đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng như mô hình trồng bưởi da xanh, sầu riêng, trồng đậu nành rau, nuôi vịt chuyên trứng, mô hình áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm phân,…

Theo ông Trương Tấn Được, song song các mô hình nông nghiệp công nghệ cao do cá nhân tự đầu tư cũng đã và đang góp phần hiệu quả vào đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện.

Đồng thời, còn góp phần thay đổi tư duy cũng như nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao và bền vững.

Tuy nhiên, đối với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo ông Trương Tấn Được, cần được sự hỗ trợ “đủ sức” từ Nhà nước để có thể phát triển và nhân rộng, nhằm tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng thời, cần có sự quan tâm đến các tiêu chuẩn, chất lượng cây con giống cũng như có sự quy hoạch cụ thể vùng sản xuất, hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường trong và ngoài nước.

“Cần cụ thể hóa các chính sách để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thành lập các dự án, vận dụng các nguồn vốn vay.

Từ đó, từng bước hình thành mô hình mỗi địa phương một loại hình nông nghiệp công nghệ cao; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững tại địa phương”- ông Trương Tấn Được nói.

Ông Trương Tấn Được cho rằng địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Hiện, có trên 100 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn và đều có sự hợp tác, liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia. Đây chính là xu thế cũng như định hướng tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY

Các tin khác: