Kinh tế Vĩnh Long năm 2019- mở đường tăng tốc

Cập nhật, 05:34, Thứ Ba, 31/12/2019 (GMT+7)

Trong năm 2019, kinh tế của tỉnh duy trì đà tăng trưởng, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cơ bản được hoàn thành, ước cuối năm có 20/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Cùng với các chủ trương, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp; sự nỗ lực, quyết tâm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã mở đường cho nền kinh tế tăng tốc trong các năm tiếp theo.

Năm 2019, ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực công nghiệp đã tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn tỉnh.
Năm 2019, ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực công nghiệp đã tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn tỉnh.

 Xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt nhà đầu tư

Tháng 12/2018, dự án nhà máy Towa Southern Star của Công ty TNHH Công nghiệp Towa Việt Nam đã khởi công tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú.

Đây là dự án lĩnh vực cơ khí chính xác đầu tiên đầu tư vào KCN Hòa Phú, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Theo ông Yutaka Watanabe- Chủ tịch công ty, trước khi đến Vĩnh Long, tập đoàn đã xem xét, khảo sát trên 20 KCN ở các tỉnh- thành và quyết định đầu tư tại KCN Hòa Phú của tỉnh Vĩnh Long.

Từ kết quả Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Vĩnh Long tháng 3/2018, đến nay, đã có 8 dự án đi vào hoạt động, 6 dự án khởi công xây dựng, 5 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng.

Bên cạnh, 12 dự án đã ký biên bản ghi nhớ, các ngành đang tiếp tục rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục có liên quan để xem xét cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong năm 2019, tỉnh đã tăng cường công tác XTĐT bằng nhiều hình thức, cũng như tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Tháng 8/2019, tỉnh tổ chức Hội thảo XTĐT và ký kết biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư cho 7 dự án với tổng mức vốn đầu tư khoảng 46.968 tỷ đồng và 66 triệu USD.

Qua đó, báo cáo đánh giá, thông tin đến các nhà đầu tư thấy được sự cam kết, các kết quả, sự nỗ lực hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương, giấy chứng đăng ký đầu tư trong và sau Hội nghị XTĐT năm 2018.

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư: “Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực làm đầu tàu trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc tạo lập và xây dựng tốt hơn hình ảnh của địa phương trong cách nhìn của nhà đầu tư, có định hướng nhất quán giữa phát triển kinh tế với các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư”.

Ngoài ra, đã có nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 235 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư ước khoảng 25.616 tỷ đồng và 641 triệu USD, trong đó có 63 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các dự án này đã và đang góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 13,74% và đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ của năm 2018 (9,14%), đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh.

Ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 34.908 tỷ đồng, tăng 6,22% so với năm 2018, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra 0,02 điểm %.

Đồng thời, việc chuyển dịch trong nội bộ ngành trồng trọt đúng với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh, mang lại nhiều kết quả tích cực, giảm sự thoái hóa đất, tăng chất lượng lúa, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Mở đường tăng tốc

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.

Năm 2019, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng đến nay các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của năm cơ bản được hoàn thành.

Kết quả đó ghi nhận lợi thế của tỉnh dần được phát huy, hình ảnh môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành trong tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án mới đi vào hoạt động.

Huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh nhận định: “Nỗ lực không ngừng trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… đã giúp Vĩnh Long thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.

Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm”.

Đây cũng là nền tảng để Vĩnh Long mở đường tăng tốc vào năm 2020, là năm kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh.

Vì thế, ông Lữ Quang Ngời cho rằng: “Giải pháp năm 2020 của tỉnh là chủ động, tích cực, phấn đấu cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016- 2020 nói chung với kết quả cao nhất, góp phần giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu tổng thể là trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL”.

Cụ thể, thực hiện đồng bộ các chính sách vĩ mô, duy trì ổn định kinh tế. Đó là đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất tín dụng, tập trung vốn cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng nông thôn mới và vay các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Sắp xếp lại các khoản chi thường xuyên, trong đó ưu tiên nguồn lực để xây dựng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, đồng thời đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Chú trọng cải cách thể chế và khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Từ đó tổ chức thực hiện các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để phá vỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành, địa phương trong năm 2020 nói riêng và giai đoạn tới nói chung.

Tiếp theo là thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: cây ăn trái- lúa- thủy sản.

Cơ cấu lại mùa vụ theo hướng khuyến khích giảm mạnh diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích trồng màu, cây ăn trái nhưng không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.

Cơ cấu lại ngành công thương, các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, điện lực, cụm công nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho thu hút đầu tư.

Bên cạnh, hỗ trợ đầu tư xây dựng và nâng cấp mạng lưới chợ trong tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để phát triển thị trường mới; củng cố, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế như: du lịch, logistics, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin truyền thông và chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính các cấp, xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường ổn định để phát triển kinh tế- xã hội. Tất cả các giải pháp đều hướng tới mục tiêu đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế- xã hội, tạo đà cho Vĩnh Long tăng tốc.

Trung tâm Phục vụ hành chính công cùng hệ thống các phần mềm được đưa vào hoạt động trong tháng 4/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, đã thực hiện việc tiếp nhận 12.901 hồ sơ (trong đó, có 1.633 hồ sơ nộp trực tuyến, chiếm 12,66%), đã xử lý đúng hạn 11.451 hồ sơ (88,76%).

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục các dự án mời gọi đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2019- 2020 tạo thuận lợi hơn trong công tác tiếp xúc và thu hút đầu tư.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Các tin khác: