Blog thị trường

Để tránh rủi ro khi gửi tiền

Cập nhật, 07:13, Thứ Sáu, 02/03/2018 (GMT+7)

Vụ một khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank mất 245 tỷ đồng, do nguyên phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP Hồ Chí Minh rút ruột sổ tiết kiệm và bỏ trốn ra nước ngoài, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người gửi tiền ngân hàng.

Tất cả các ngân hàng hiện nay đều có chương trình săn sóc đặc biệt đối với khách hàng VIP (khách hàng gửi tiền giá trị lớn, hàng tỷ đồng trở lên). Nhiều ngân hàng phân công lãnh đạo, chuyên viên tín dụng phụ trách từng nhóm khách VIP, tạo mối quan hệ thân tình “như người nhà” giữa họ với ngân hàng.

Khách VIP đến giao dịch được săn sóc bằng cửa riêng để không bị mất thời gian chờ đợi, thậm chí ngân hàng cử người gồm lãnh đạo phòng giao dịch, chi nhánh, nhân viên giao dịch, thủ quỹ và đem cả máy đếm tiền đến tận nhà hoặc nơi làm việc để khách thực hiện giao dịch cho tiện lợi. Nhưng chính mối quan hệ săn sóc đặc biệt này là mầm móng phát sinh rủi ro cho người gửi tiền hạng VIP, một khi khách hàng quá tin nhân viên ngân hàng mà lược bỏ nhiều thủ tục.

Khi mối quan hệ đã thân tình “như người nhà”, khách hàng thường tin tưởng đến độ ký khống chứng từ, ký ủy quyền giao dịch, giao giữ giúp sổ tiết kiệm, không kiểm tra số dư qua ebanking (ngân hàng điện tử)… Điều này chẳng khác gì trao chiếc chìa khóa két sắt để nhân viên ngân hàng tự giao dịch giúp cho khách hàng.

Một khách hàng gửi tiền cho rằng, khi đọc báo thấy hàng loạt vụ mất tiền khi gửi tiết kiệm, liền thấy đều có ít nhiều liên quan tới sự chủ quan của khách hàng, lược bỏ nhiều thủ tục cần có của ngân hàng. Từ chuyện khách VIP, giao dịch tại nhà, ký khống… cũng ít nhiều chứng tỏ nếu làm đúng quy trình rất khó lòng mà mất tiền, khó lòng cho kẻ gian lợi dụng.

Vì thế, người gửi tiền cũng nên làm khách hàng thông minh, bởi mình gửi tiền tiết kiệm có nghĩa là cho ngân hàng vay tiền, mà đã cho vay thì người cho vay phải cẩn thận, đảm bảo mọi thủ tục pháp lý cần thiết.

Bido2_40.com