Doanh nghiệp phải chủ động trong cuộc đua hội nhập

Cập nhật, 06:07, Thứ Năm, 30/11/2017 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển- Viện Quản lý Kinh tế Hồ Chí Minh, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đã mở ra những cơ hội vô cùng thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) về nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, về dòng vốn đầu tư và nguồn lực lao động. 

Doanh nghiệp chú trọng nâng cao năng suất lao động, thay đổi thiết kế, bao bì, chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp chú trọng nâng cao năng suất lao động, thay đổi thiết kế, bao bì, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, DN Việt Nam- trong đó có Vĩnh Long- sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn. Nếu không biết điều chỉnh kịp thời thì có thể những khó khăn này sẽ thành những rào cản sự phát triển.

Tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực cạnh tranh” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) phối hợp với Công ty Tư vấn BrainMart tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Dũng còn đưa ra khuyến cáo cho DN Vĩnh Long: phải chủ động tìm hiểu, chủ động hội nhập một cách tự tin, sẵn sàng “chơi với những người khổng lồ”.

Nhiều hiệp định được ký kết

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Việt Nam hội nhập sâu rộng với nhiều thị trường thế giới thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Điều này thực sự là cơ hội cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Việc gia nhập WTO có thể coi là cột mốc cho sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của Việt Nam.

Hiện nay, việc Chính phủ đang đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ 2 mạnh mẽ hơn.

Năm 2015 được cho là “năm doanh nghiệp”, bởi chưa bao giờ lãnh đạo Việt Nam có những chuyến ngoại giao con thoi, những cuộc gặp gỡ lịch sử nhiều như vậy.

20 hiệp định thương mại tự do được Việt Nam hoàn tất đàm phán, ký kết được cho là kỷ lục trong năm này.

FTA với Liên minh Kinh tế Á- Âu là cơ hội vàng cho xuất khẩu nông- thủy sản, dệt may, đồ gỗ; FTA với Liên minh Châu Âu, 99% số dòng thuế được xóa bỏ.

Và ngày cuối cùng năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, quan trọng nhất vẫn là thị trường và các cơ sở sản xuất thống nhất.

Ngoài ra, thuế DN rút dần về mức 0% sẽ là lợi ích lớn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Từ đây, Việt Nam không chỉ là thị trường của 90 triệu dân mà chính thức bước vào sân chơi mới- thị trường chung 600 triệu dân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Việt Nam đang nỗ lực san phẳng các rào cản để gần hơn với thị trường thế giới.

Ông nhìn nhận, Hiệp định thương mại tự do (FTA), từ góc độ xuất khẩu, các FTA thế hệ mới với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU, sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác lớn.

DN chủ động hội nhập

Lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phụ thuộc một phần không nhỏ vào kết quả đàm phán, phần còn lại nằm ở khả năng tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình thực thi.

Đó thực sự là cơ hội nếu chúng ta biến nó thành tiền, còn ngược lại chúng ta “dâng tiền” cho doanh nhân nước khác.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng còn cho rằng hội nhập đang rất nóng. Song dẫn chứng kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội lại cho thấy, có tới 80% số DN được hỏi thiếu hẳn các kiến thức về hội nhập.

Còn theo khảo sát của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện tại gần 700 DN vừa và nhỏ ở một số tỉnh- thành, có tới 76% DN Việt Nam không biết và không hiểu gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN, 94% DN không biết về nội dung đàm phán trong AEC; 63% DN không hiểu gì về thách thức và cơ hội khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Còn các DN trong nước, nhất là các DN khu vực tư nhân, DN có quy mô vừa và nhỏ đến nay, nói chung vẫn chưa thực sự nhận thức rõ ràng, đầy đủ về các yêu cầu, tác động thực sự của hội nhập. Vì vậy, họ đang ở thế bị động.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ hôm nay thì các DN sẽ không tận dụng được những cơ hội và khó có thể vượt qua những thách thức.

DN trước hết phải nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng của mình, những thế mạnh, ý tưởng mới, xoay vào chính sách, hướng tháo gỡ của mình rồi dự báo, nắm tình hình quốc tế diễn biến để tranh thủ những gì lợi nhất cho mình cũng như những rủi ro có thể tránh.

Đối với DN Vĩnh Long, ông khuyên nên xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn xuyên suốt, nhất quán, khai thác được yếu tố thuận lợi do hiệp định mang lại.

Tổ chức đổi mới, sáng tạo theo kịp và đủ sức cạnh tranh thời hội nhập, trong đó chú trọng nâng cao năng suất lao động, thay đổi thiết kế, bao bì, chất lượng sản phẩm.

Và sự cần thiết phải tái cấu trúc lại công ty, áp dụng những tiêu chuẩn quản trị kinh doanh hiện đại, phù hợp những chuẩn mực và thông lệ quốc tế; xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn hiệu quả phục vụ cho thực hiện chiến lược kinh doanh của DN.

Nhưng những thách thức từ các hiệp định thương mại không phải ít, đó là: Nhiều DN Việt Nam còn chưa kịp đáp ứng điều kiện về chất lượng để xuất khẩu vào thị trường các nước, trong khi sức cạnh tranh tăng lên, nhất là các ngành hàng nông nghiệp. DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa (trên 96%), nguồn nhân lực hiện tại thiếu và rất yếu về quy mô, vốn, trình độ quản trị không theo kịp chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

TIN LIÊN QUAN