Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc

Cập nhật, 15:09, Thứ Hai, 05/12/2016 (GMT+7)

Sáng nay 5/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của nền kinh tế Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hai nội dung thảo luận chính tại Diễn đàn năm nay là tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực, ngành nghề và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng phát triển xanh và bền vững.

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF 2016, đây là “cơ chế đối thoại tốt nhất” để Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao thúc đẩy cải cách của Chính phủ mới với thông điệp Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Nhờ đó, năm 2016 (tính tới hết tháng 11) là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt mốc 100.000 doanh nghiệp.

Chính phủ đã sửa đổi ban hành gần 50 Nghị định nhằm đảm bảo quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Cũng trong năm 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam 9 bậc.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý, mới có 30% trong số khoảng 150 kiến nghị của doanh nghiệp tại VBF 2015 được xử lý. Số còn lại ở tình trạng chậm hoặc chưa được giải quyết.

“Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Nhiều vấn đề được đề xuất khá chi tiết, nếu được giải quyết nhanh, các doanh nghiệp có thể sẽ có thêm cơ hội phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Về mục tiêu kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, đồng chủ tịch VBF, ông Ryu Hang Ha bình luận: “Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI muốn liên kết với các doanh nghiệp nội địa để giảm chi phí kinh doanh, thuận lợi hơn trong các thủ tục hành chính...

Nhưng khi các doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực thì không thể liên kết được, chứ chưa nói đến chuyển giao công nghệ”.

Để xúc tiến quan hệ này, Chính phủ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách, doanh nghiệp nội địa phải tự nâng cao năng lực và doanh nghiệp FDI cần mở rộng tiếp cận mua hàng hóa trung gian từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho biết sẽ chia sẻ các mô hình kết nối mà VCCI đang thực hiện tại VBF 2016, để kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Theo SGGPO