Thực phẩm "3 không"

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 09/09/2016 (GMT+7)

Đối với hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thì việc xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), giấy chứng nhận khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm là bước không thể thiếu khi thành lập cơ sở kinh doanh. Nhưng trên thực tế, không phải cơ sở nào cũng quan tâm tới việc xin những loại giấy chứng nhận quan trọng này.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm, nước giải khát.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm, nước giải khát.

Đổ lỗi do không biết

Trong Tháng hành động vì ATVSTP, qua các đợt thanh- kiểm tra cho thấy, bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt, vẫn còn không ít cơ sở vi phạm.

Mới đây, đoàn thanh- kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2016 (Đoàn số 1) đã đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhà phân phối, với các nhóm sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Trung thu như rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt kẹo, sữa chế biến dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột và các mặt hàng thực phẩm khác.

Qua đó, phát hiện tại nhiều cơ sở vẫn còn tái diễn những sai phạm cũ như thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy khám sức khỏe…

Đây là những lỗi vi phạm rất cũ từng bị nhắc nhở trong nhiều năm qua các đợt kiểm tra, song, dù có kiểm tra, có nhắc nhở, có xử phạt thì sau đó đâu lại hoàn đấy! Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở biện minh rằng: “Mới ra nghề nên không rõ thủ tục giấy tờ, hoặc không thấy ai đòi nên không làm, hay bận nhiều việc nên quên!” Nhiều cơ sở chỉ có giấy phép kinh doanh, còn lại các loại giấy tờ khác đều không có.

Kinh doanh thực phẩm “3 không”: không giấy tập huấn kiến thức ATVSTP, không giấy khám sức khỏe của nhân viên và đặc biệt là chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, một chủ đại lý phân phối nước giải khát, bia, thực phẩm ở Hậu Lộc (Tam Bình) giải thích:

“Do bận nhiều việc, không có thời gian để bổ túc hồ sơ cũng như làm các thủ tục khác nên quên!” Hay chủ một đại lý ở thị trấn Trà Ôn thì nói: “không… rành mấy vụ giấy tờ kinh doanh (mặc dù cơ sở này đã kinh doanh nhiều năm).

Trong khi đó, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh không niêm yết giá bán, khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm không sạch, kho bảo quản thực phẩm còn ẩm thấp, chưa đảm bảo vệ sinh...

Ông Trần Quốc Linh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương)- Trưởng đoàn thanh- kiểm tra liên ngành (Đoàn số 1) cho biết: Dù đã tăng cường kiểm tra, nhưng vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh “mình không”, không đầy đủ các loại giấy tờ quan trọng, cần thiết. Có nhiều cơ sở đã bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm.

Cần xử lý nghiêm để răn đe

 Người sản xuất, chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ.
Người sản xuất, chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ.

Đối với những trường hợp vi phạm trên, chỉ khi các cơ quan chức năng vào cuộc mới có thể phát hiện sai phạm còn người tiêu dùng khi mua hàng thì đành bó tay, vì chủ yếu họ chỉ để ý đến nơi sản xuất, hạn sử dụng chứ không khi nào đòi hỏi cơ sở kinh doanh trình bày giấy chứng nhận đủ điều kiện bao giờ.

Đặc biệt, vi phạm về không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là lỗi rất đáng lo ngại vì cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm “chui” sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATVSTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Song song đó, theo quy định, hồ sơ khám sức khỏe phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất và người sản xuất phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp.

Với quy định mới này, phần nào giúp người tiêu dùng giảm nhẹ được những mối lo ngại về vấn đề ATVSTP hiện nay, bởi khi đó, với đầu vào, quy trình sản xuất được đảm bảo an toàn thì sản phẩm làm ra đến tay người tiêu dùng cũng đảm bảo sạch sẽ.

Tuy nhiên, với không ít cơ sở vẫn còn xem nhẹ những quy định này. Do vậy, song song với việc tuyên truyền, phổ biến các quy định, ngành chức năng cũng phải có cách xử lý nghiêm minh đối với những vụ vi phạm, tái vi phạm để răn đe.

Cần làm chuyển biến nhận thức của các cơ sở kinh doanh, đi khám, đi tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm là vì sức khỏe người tiêu dùng chứ không chỉ vì cho đủ thủ tục, giấy tờ để kiểm tra.

Ông Trần Quốc Linh cho biết: Đã có luật thì phải tuân thủ theo luật một cách nghiêm chỉnh, có như vậy mới tạo được tác dụng răn đe. Với những cơ sở đã nhiều lần vi phạm, mà vẫn không thực hiện đúng quy định sẽ xử phạt thật nghiêm.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của Chính phủ số: 178/2013/NĐ-CP tại Chương II, Mục 2, Điều 10, quy định: Xử phạt đối với hành vi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ theo một trong các mức sau đây:

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000đ đối với vi phạm dưới 10 người; Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với vi phạm từ 10 người đến dưới 20 người; Phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với vi phạm từ 20 người đến dưới 100 người;...

Điều 11, quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng người thuộc diện phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định mà không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo một trong các mức sau đây:

Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với vi phạm dưới 10 người; Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với vi phạm từ 10 người đến dưới 20 người; Phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với vi phạm từ 20 người đến dưới 100 người;...

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN