Nông thôn mới ở Bình Tân: "Cái gốc là thu nhập"

Cập nhật, 07:29, Thứ Tư, 14/09/2016 (GMT+7)

 

Mô hình điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại quán cà phê ông Thum ở ấp Tân Vĩnh.
Mô hình điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại quán cà phê ông Thum ở ấp Tân Vĩnh.

Đưa ra cách nhìn mới, chủ động gần dân, sâu sát với dân hơn, từ những điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng được xã hội hóa, cán bộ cũng “đưa” hội họp đến với dân hơn là “kéo” dân về trụ sở. Họp nên theo giờ “nghỉ đồng” của dân hơn là cứng nhắc theo giờ “hành chính”.

Bình Tân mong muốn tạo sự đồng thuận cao, để phát huy thế mạnh nông nghiệp và xem tăng thu nhập của người dân chính là cái gốc của xây dựng nông thôn mới.

Xã hội hóa những thứ còn thiếu, khó

Tại quán cà phê và cũng là nhà của ông Nguyễn Văn Thum (ấp Tân Vĩnh, xã Tân Lược), chúng tôi ngồi cùng người dân xóm này nghe chuyện xây dựng nông thôn mới. Ban đầu có vài người, nhưng khi mở dàn loa rao vài bản vắn, chút xíu là có khá đông bà con tấp vô tham gia khá xôm tụ.

Đây là mô hình mới, kết hợp nhà dân làm tụ điểm văn hóa mà Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính rất tâm đắc. Gần năm nay, ban đầu từ quán cà phê của nhà, ông Thum khoái đờn ca tài tử nên sắm dàn loa, mượn cây đờn ở xóm chơi cho vui.

Chính quyền xã rồi Huyện ủy, UBND huyện thấy hay, vận động gia đình ông “nâng cấp” lên thành điểm sinh hoạt văn hóa cho xóm ấp. “Tại khoái mới chơi”- ông Thum kể nguồn gốc của tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng bây giờ ở ấp này và cũng đầu tiên có tại xã Tân Lược.

Huyện thấy tích cực, khuyến khích duy trì và làm điểm để nhân rộng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi anh em cán bộ các xã trong ngoài huyện cũng đến tham quan, tìm hiểu.

“Bí thư Tỉnh ủy hôm có về công tác tại huyện, điểm sinh hoạt văn hóa này được huyện giới thiệu, nghe thấy chúng tôi nói đi mượn cây đờn điện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sau đó hỗ trợ ngay anh em chúng tôi cây đờn 5 triệu đồng, đờn nghe sướng lỗ tai”- ông Thum khoe.

Rồi ông “thoòng” thêm một câu: “Hôm nào có dịp chúng tôi xin ông Bí thư Huyện ủy cái micro xịn để... hát cho nó nhẹ hơi”.

Theo ông Đặng Văn Chính, trong khi nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, mà muốn có cơ sở vật chất văn hóa, nhà văn hóa trong bộ tiêu chí thì cần phải có tiền. Nên, trong khi chờ đầu tư, huyện đã xem xét và khuyến khích loại hình tụ điểm sinh hoạt văn hóa kiểu này.

Đó là nơi hội họp xóm làng, để đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri, cán bộ mình thông tin tình hình, chủ trương chính sách đến người dân. “Tôi thấy chuyện đi ra dân, gần dân, sâu sát dân thì người dân dễ chấp nhận hơn”- Bí thư Huyện ủy Đặng Văn Chính nói.

Tính tới thời điểm này, Bình Tân đạt bình quân 15,2 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 10 xã. Huyện đã có 3 xã đạt nông thôn mới và cuối năm nay sẽ thêm Tân Lược. Khi đó, toàn huyện sẽ đạt bình quân 16,7 tiêu chí nông thôn mới trên tất cả các xã.

“Vấn đề lớn nhất là kinh phí”- Bí thư Huyện ủy Đặng Văn Chính nói và cho biết điều đó phụ thuộc vào nguồn đầu tư từ tỉnh và Trung ương. Theo tính toán của địa phương, kinh phí cần đầu tư cho 6 xã khoảng 280 tỷ đồng, trong đó khả năng huyện đầu tư khoảng 80 tỷ đồng.

Gốc là thu nhập, đời sống người dân

Ông Võ Văn Thổ (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược) nhà trồng mè đã 2 vụ nay. Ông tính vụ rồi mỗi công thu được 200kg mè, với giá 43.000 đ/kg, tính ra hơn 70 triệu đồng. Trừ các chi phí mỗi công đất ông lời tầm 5 triệu.

Với 1ha đất luân canh 3 vụ: khoai- lúa- mè như vậy, cả năm qua ông Thổ phỏng tính lời khoảng 200 triệu đồng. “Trồng mè rất khỏe”- ông Thổ nói.

Cán bộ nông nghiệp xã Tân Lược Trần Quang Vinh cho biết, cây mè ở Tân Lược được trồng nhiều hơn các xã khác. Năm ngoái sản xuất rất đạt, giá cả lại cao. Anh Vinh cho biết, cây mè và chăn nuôi dê là 2 loại cây- con tham gia vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược Phạm Văn Chuyến cho biết, định hướng năm tới xã nâng diện tích cây mè lên 200ha. Theo ông, đó là một trong 3 loại sản phẩm kinh tế từ cây màu ở xã: khoai lang, hành lá, mè.

Ở góc độ thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, xã xác định thế mạnh như vậy. Như với cây mè, tuy tổng thu nhập ít, nhưng do đầu tư ban đầu ít, vòng đời ngắn nên lợi nhuận từ cây mè cao gấp mấy lần lúa và cao hơn khoai lang.

Nông dân Bình Tân thực hiện hiệu quả xen canh “1 lúa, 2 màu”.
Nông dân Bình Tân thực hiện hiệu quả xen canh “1 lúa, 2 màu”.

Cái gốc của xây dựng nông thôn mới là gì? Theo ông Đặng Văn Chính: “Gốc là ở thu nhập của người dân nông thôn”, do đó cần phải phát triển thế mạnh nông nghiệp để góp phần tăng nhanh và bền vững thu nhập của người dân.

Điều này ở Bình Tân được xác định: do địa bàn đông dân, đất hẹp, không thể chỉ chuyên canh cây lúa, bắt buộc phải chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Mà luân canh lúa màu và đa dạng các loại màu trong 3 vụ hàng năm ở Bình Tân đã cho thấy việc chuyển dịch như thế là hiệu quả.

Đến nay, Bình Tân có khoảng 97% diện tích đất sản xuất đã cơ bản khép kín trong mùa mưa lũ. Cây màu luân canh 100%.

Giá khoai lang năm nay tương đối, đầu ra ổn định, người dân có lời. Nhiều doanh nghiệp xa gần đến huyện tìm đầu ra cho khoai lang, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến làm vùng nguyên liệu khoai lang sạch, tạo cơ hội nâng chất sản phẩm nông nghiệp cho vùng rẫy Bình Tân.

 

 

Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính:

 

Lãnh đạo huyện Bình Tân tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân. Huyện phấn đấu đến năm 2020, nâng mức thu nhập lên 49 triệu đồng/người/năm và hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Huyện ủy.

 

  • ™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI