Cùng Trung Quốc tìm nguyên nhân nước Mekong thấp kỷ lục

Cập nhật, 16:23, Chủ Nhật, 16/02/2020 (GMT+7)

 

Hàng ngàn héc ta lúa Đông Xuân chết vì khô hạn và xâm nhập mặn tại ĐBSCL.Ảnh: VTV
Hàng ngàn héc ta lúa Đông Xuân chết vì khô hạn và xâm nhập mặn tại ĐBSCL.Ảnh: VTV


TS Dương Văn Ni cho rằng điều Việt Nam có thể làm là thương lượng cùng các nước ở hạ lưu tìm giải pháp tạo ra điện tốt hơn thủy điện.

Bên lề Diễn đàn khu vực của các bên liên quan lần thứ 9 tổ chức mới đây tại Luang Prabang (Lào), TS. An Pich Hatda- CEO Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC)- cho biết MRC đang hợp tác cùng Trung Quốc nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân khiến mực nước Mekong thấp kỷ lục trong năm 2019.

Nhắc đến Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa MRC và Trung tâm Hợp tác nguồn nước Mekong- Lan Thương (LMC) của Trung Quốc ký vào tháng 12/2019, ông Hatda cho rằng cơ chế này sẽ giúp đôi bên tăng cường hành động, thay vì tập trung vào thảo luận.

Trao đổi với Báo Đất Việt, TS. Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) không mấy kỳ vọng sự hợp tác lần này sẽ đem lại điều gì mới mẻ, sáng sủa.

Theo lý giải của TS. Dương Văn Ni, nguyên nhân làm cho mực nước sông Mekong thay đổi hầu như trong giới khoa học đã biết, cho nên chuyện đó đưa ra bàn có phần hơi thừa. 

Nhắc đến cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong, đến nay, Ủy hội sông Mekong quốc tế chỉ có 4 nước hạ nguồn tham gia, gồm Campuchia, Lào,  Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar là 2 đối tác, không tham gia ủy hội và cả 2 nước vẫn tuyên bố sẽ tham gia tích cực trong vấn đề hợp tác, cung cấp tài liệu.

Đến năm 2016, cơ chế hợp tác Lan Thương- Mekong ra đời, gồm 6 quốc gia là Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Dù vậy, với TS Dương Văn Ni, việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong thuộc phần lãnh thổ của họ là việc đã rồi. Chính vì thế, dẫu lần này MRC có phối hợp cùng Trung Quốc tìm ra nguyên nhân khiến nước sông Mekong thấp kỷ lục không phải là động thái có thể đem lại kỳ vọng nhiều.

“Với sự phối hợp ấy có thể có hai khả năng: Thứ nhất, nếu họ phát hiện ra đúng nguyên nhân mà giới khoa học đã phát hiện từ lâu thì nó giúp được một chuyện, đó là ít nhất đây là chuyện mà có các chuyên gia Trung Quốc tham gia. Đó là một hình thức để hợp thức hóa số liệu và thông tin.

Trước đây, Trung Quốc có thể phản biện rằng những số liệu và thông tin ấy là do các nước ở hạ du sông Mekong làm, không có sự tham gia của chuyên gia Trung Quốc nên không đáng tin, giờ Trung Quốc tham gia thì chúng trở nên đáng tin. Đó là hướng tích cực mà chúng ta có thể kỳ vọng.

Thứ hai, tôi quan ngại rằng đây có thể là dịp để phía Trung Quốc phủ nhận những công bố trước đây của các nhà khoa học về sông Mekong, hợp thức hóa một lý do nào đó khác với bình thường và coi đó mới là lý do đúng đắn.

Dĩ nhiên trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng Mekong hầu như đã biết rõ các vấn đề của Mekong, nguyên nhân của chúng nên dù làm thế nào, một khi một công bố không giống bình thường được đưa ra, lập tức sẽ phải hứng búa rìu dư luận”- TS. Dương Văn Ni bày tỏ quan điểm.

Bởi việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng lưu sông Mekong là chuyện đã rồi nên TS. Dương Văn Ni cho rằng không cần mất thời gian thương lượng với Trung Quốc làm gì.

Điều quan trọng, theo ông là các nước thành viên trong Ủy hội sông Mekong quốc tế ngồi lại với nhau bàn bạc, thương lượng xem có cần đầu tư hết hàng loạt thủy điện như đã lên kế hoạch trước đó hay không.

“Từ nay về sau, bằng những kênh ngoại giao, bằng quan hệ và những khả năng Việt Nam có được với Lào, Campuchia, chúng ta hãy cùng thương lượng với nước bạn để có những giải pháp tạo ra điện tốt hơn là làm thủy điện. Nếu cần thiết, chúng ta mời thêm chuyên gia vào để phân tích, làm rõ chuyện này. Đó là chuyện nên làm, thay vì ngồi lại với nhau làm rõ nguyên nhân khiến mực nước Mekong cao hay thấp”- TS Dương Văn Ni nói.

Trong những lần trao đổi trước đó với Báo Đất Việt, TS. Dương Văn Ni cũng nhắc đến vấn đề thương lượng này. Theo đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của một khách hàng mua điện tiềm năng duy nhất để Lào, Campuchia giảm xây các đập thủy điện.

Xâm nhập mặn năm 2020 dự báo sẽ ở mức độ sâu, gay gắt hơn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL dự báo sẽ ở mức độ sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, mực nước trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm. Hiện tại, mực nước tại các trạm thượng nguồn ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,7m.

Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3. Từ nửa cuối tháng 3-6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015- 2016.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)