Sử dụng ánh sáng mặt trời chuyển đổi nhựa thành hóa chất hữu ích

Cập nhật, 11:10, Thứ Bảy, 14/12/2019 (GMT+7)

Các nhà hóa học thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore, ảnh) đã phát hiện ra một phương pháp có thể biến rác thải nhựa thành hóa chất có giá trị bằng cách sử dụng ánh sáng mặt trời.

Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã trộn nhựa với chất xúc tác của họ trong dung môi, cho phép dung dịch khai thác năng lượng ánh sáng và chuyển hóa nhựa hòa tan thành axit formic- một hóa chất được sử dụng trong pin nhiên liệu để sản xuất điện.

PGS. Soo Han Sen thuộc Trường Khoa học Vật lý và Toán học cho biết, chất xúc tác của họ làm từ vanadi kim loại tương thích sinh học, giá cả phải chăng, thường được sử dụng trong hợp kim thép sản xuất phương tiện vận tải và hợp kim nhôm cho máy bay.

Khi chất xúc tác gốc vanadi được hòa tan trong dung dịch chứa nhựa tiêu dùng không phân hủy sinh học như polyetylen và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhân tạo, nó đã phá vỡ liên kết carbon-carbon trong nhựa chỉ 6 ngày.

Quá trình này đã biến polyetylen thành axit formic- một chất bảo quản và kháng khuẩn tự nhiên, cũng có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng cho các nhà máy điện và trong các phương tiện pin nhiên liệu hydro.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển các phương pháp bền vững và hiệu quả khai thác ánh sáng mặt trời để sản xuất nhiên liệu và các sản phẩm hóa học khác. Xử lý hóa học mới này là quá trình được cho là đầu tiên có thể phá vỡ hoàn toàn một loại nhựa không phân hủy sinh học như polyetylen bằng ánh sáng nhìn thấy và chất xúc tác không chứa kim loại nặng”- PGS. Soo nói.

HẢI HUỲNH

(Nguồn: Phys.org)