Truyện ngắn: Chuyện đã qua

Cập nhật, 11:42, Chủ Nhật, 05/03/2017 (GMT+7)
  • ™TRẦN QUỐC CƯỠNG

1.

Chị Nữ là người “đổ bộ” đến xóm Gò đầu tiên. Chị viết đơn xin đất gửi chính quyền xã ngót ba năm, đi chừng chục lần. Lần nào ông chủ tịch xã cũng đon đả: “Chị cứ yên tâm về đi, nay mai chúng tôi giải quyết”.

Cái điệp khúc bất thành văn từ cửa miệng của ông chủ tịch xã đã khiến chị nản lòng. Cuối cùng, chị âm thầm đưa vật liệu đến vùng đất gò xa ngái dựng căn nhà lá đơn sơ. Tới nước ấy, ủy ban xã đành cấp giấy tờ đất ở tạm thời cho chị.

Có điều lạ là khi thấy căn nhà của chị Nữ dựng lên, ông chủ tịch xã cũng không làm khó dễ gì. Chắc ông nghĩ, gò đất ấy cằn cỗi, đèo heo hút gió và chị là một cựu thanh niên xung phong trong thời chống Mỹ nên để yên.

Chị Nữ cất nhà tròn năm thì Thắm- cô bạn cựu thanh niên xung phong tuổi quá lứa, không chồng, không con lui tới. Có lẽ cái mùi khăm khẳm chua của xác rạ rữa rã và tiếng ếch nhái ạ uôm đồng vọng níu chân người đàn bà quen sống cô đơn chưa từng biết hơi hám đàn ông là gì, chị Thắm trở thành “phó thổ địa” xóm Gò.

Chị Nữ ngồi chằm nón, cánh mũi phập phồng, vài giọt mồ hôi như sương mai ngấn trên má. Xăm xắp tuổi năm mươi rồi mà cái duyên vẫn còn phảng phất trên nét mặt, làn môi.

Đám thiếu phụ và cánh con gái lỡ thì ngồi trong vuông sân nghe chị kể về những ngày bám trụ xóm Gò như bám lấy, bảo vệ con đường huyết mạch cho bộ đội chủ lực vào miền Nam đánh Mỹ.

Chị Nữ dừng tay, đưa vạt áo lên quệt mồ hôi, nhoẻn miệng cười e ấp như con gái mới lớn: “Không hiểu sao ngày ấy tao liều thế. Cũng vì những lời bóng gió xa xôi của mấy đứa cháu sợ tao báo cô.

Thật tình bấy lâu tao đâu mặn nồng với cách sống bòn mót chỗ dựa. Tụi mày chưa nếm trải hết nỗi cô đơn, chứ tao thì nó đã ngấm sâu vào máu thịt từ lâu rồi.

Sự trống trải là một hình luật ghê gớm đối với người đàn bà sống độc thân. Nửa đêm sấm chớp đùng đùng, gió mưa ào ạt như tiếng gào rú của lũ quỷ đói. Ngọn đèn run rẩy, nỗi sợ hãi lớn dần. Giá mà lúc đó có một gã đàn ông, tao sẽ lăn xả vào lòng, cho hắn tất cả…

2.

Cái gò đất lẻ loi, khỉ ho, cò gáy của làng Thượng có duyên lạ lùng với những kẻ không chồng. Sau chị Nữ, chị Thắm, còn có chị Thuận, chị Rả và những thiếu phụ trẻ một lần tan đàn xẻ nghé. Có vài cô đã làm mẹ, nhưng chưa từng làm vợ. Hơn mười nóc nhà mọc lên xúm xít. Những mảnh đời lỡ làng đan tựa vào nhau.

Từ sáng sớm, họ lọ mọ rời khỏi nhà, người làm phụ hồ, đánh vữa, người đội mẹt bánh kẹo, kẻ lặc lè gồng gánh rau, dưa… Đến lúc nhọ mặt người, họ mới hối hả trở về. Được cái, lũ trẻ con dường như cũng hiểu thân phận. Chúng chơi với nhau rất đỗi thân tình.

Đứa lớn nhất chỉ huy đám trẻ nhỏ nghe lời răm rắp. Cuộc sống của xóm Gò thật sự bắt đầu vào lúc trời sẫm tối. Cơm nước xong xuôi, họ dắt díu nhau đến vuông sân nhà chị Nữ, như điểm hẹn thường ngày, rôm rả chuyện trò. Xóm Gò là lãnh địa xa khu dân cư với những cuộc đời như ngả rẽ dòng sông.

Một hôm, vào lúc nửa đêm, chị Oanh- một thiếu phụ trẻ đẹp giật mình thức giấc bởi tiếng gõ cửa gấp gáp. Chị hỏi, người gõ cửa không thưa. Thế là chị la toáng lên.

Chị em hàng xóm bật dậy, kẻ cây, người gậy bao quanh vây bắt gọn kẻ gian trói gô lại. Khi bưng đèn ra mới rõ mặt gã sửa đồng hồ ở dưới thị trấn. Hôm sau, chuyện bắt “gian phu” đến tai mụ vợ gã sửa đồng hồ. Mụ ta lải xải tìm đến xóm Gò, đứng ngoài sân nhà chị Oanh, tru tréo: “Con nào lấy chồng bà ra đây cho bà cạo đầu, trát dầu rái”.

Chị Oanh ức lòng, “đáp lễ”: “Bà về mà răn dạy cái thằng chồng mèo mả gà đồng của bà. Gái đây có ế thì phơi, chứ không thèm phường ấy!”

Nghe động, chị Nữ và chị em láng giềng rùng rùng kéo tới bao vây kẻ ác khẩu. “Chánh thổ địa” mặt nóng phừng phừng, vung tay xói xỉa: “Này, con mụ kia! Mụ đòi cạo đầu ai hử?

Thằng chồng của mụ là kẻ quen lang chạ, vô đạo đức, nhè cái xóm góa bụa này mò tới kiếm ăn. Bị người ta bắt trói, tè trong quần không biết xấu hổ, lại còn bươi ra. Bà nói cho mà biết nhá, con này từng đánh Mỹ, cái hạng như mụ, bà xé xác không gớm tay.

Khôn hồn thì về dạy dỗ thằng chồng ham của lạ. Đứng ráng thêm chút nữa bà mà đổi ý thì mụ hết đường về nghe không?” Mụ vợ gã sửa đồng hồ mặt cắt không còn giọt máu, thị lấm lét lủi đi không một lần nhìn ngoái lại.

3.

Trong bốn chị em bạn thanh niên xung phong cùng thời thì chị Thuận còn có chỗ trông tuổi già. Thằng Khánh- con trai chị- không những là niềm an ủi của riêng chị mà còn là niềm tự hào chung của cả xóm. Năm nay nó học năm thứ tư Đại học Y khoa. Mỗi lần về nhà, nó như viên ngọc tỏa sáng cả xóm nghèo.

Các mẹ, chị theo vuốt ve, chăm sóc, yêu thương. Biết chị Thuận không đủ tiền chu cấp cho Khánh ăn học, chị Thắm cởi phăng chiếc nhẫn vàng- vật kỷ niệm- tặng nó.

Chị Nữ thì tóm ráo mấy con gà mái đẻ đem bán, còn chị Rả đập con heo đất. Má nó nhìn chị Thắm, rơm rớm nước mắt: “Vật đó của thằng Nhữ tặng cho em…”

Chị Thắm cười hềnh hệch; tiếng cười của chị nghe cay đắng khôn cùng: “Người ta chê mình thanh niên xung phong là gái già. Người ta đã có gia đình êm ấm. Em còn giữ kỷ vật đó làm gì”.

Thằng Khánh nghe chị Thắm nói, nó quay mặt đi vì xúc động. Chuyện hồi có thai thằng Khánh, chị Thuận kể như một giai thoại vừa bi vừa hài.

Năm 1970, cô Thuận mắt lá răm, mặt đẹp như ngọc, tánh tình dễ thương và nổi tiếng dũng cảm trong công tác bỗng dưng… có chửa. Cả đơn vị bàng hoàng. Lúc đầu ai cũng ngỡ có người ganh ghét Thuận rồi gắp lửa bỏ tay người. Khổ thay!

Trong một cuộc họp chi đoàn, chính Thuận thừa nhận cô mang thai. Mọi người ngẩn ngơ, ấm ớ… Bí thư chi đoàn mặt hầm hầm, mai mỉa: “Đồng chí Thuận làm đẹp mặt chi đoàn quá ha!

Đồng chí có thai với ai phải thành khẩn, rõ ràng!” Người con gái bật dậy, cứng cỏi: “Tôi có thai với ai đấy là chuyện riêng tư của tôi, không cần phải khai báo”. Vị chủ trì cuộc họp không còn giữ được sự bình tĩnh, anh ta đập bàn, quát lớn: “Đồng chí có còn là một đoàn viên nữa không?

Đồng chí quan hệ bất chính, làm ảnh hưởng đến danh dự của toàn đơn vị, lại còn ngoan cố, lý sự hả? Tôi yêu cầu đồng chí nghiêm túc khai ra đã quan hệ với ai có thai?” Cô gái cười nhạt: “Trong đêm tối mông lung, tôi không biết ai cả”.

Có tiếng cười rúc rích của các nữ thanh niên. Bí thư chi đoàn có phần nguôi giận. Song, anh ta vẫn chì chiết: “Đồng chí nói vậy mà nghe được à? Đồng chí không biết mặt người nào mà vẫn…”

Chị Thuận đột ngột dừng lời, tay phe phẩy chiếc quạt nan, ngước nhìn ánh trăng vằng vặc như hoài niệm điều gì. Các thiếu phụ trẻ hể hả cười, thúc giục: “Cô kể tiếp đi! Nghe nửa vời tức lắm!”

Một cô giật chiếc quạt trên tay chị, quạt ào ào, cười giòn tan: “Cháu quạt cho cô đây này, cô kể mau lên!” Chị Thuận cười hiền, giọng đều đều: “Mấy đứa biết cô đáp thế nào không? Sau này mỗi lần nhớ đến những lời trần trụi ấy, cô ngượng chín người.

Cô đáp với anh chàng bí thư thế này: “Vâng! Tôi không hề biết mặt anh ta là ai. Chiến tranh giữa cái sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh. Tôi là con gái đang độ xuân thì dạt dào nhựa sống. Tôi khao khát… theo bản năng… Các đồng chí muốn kỷ luật tôi thế nào cũng được!” Nói xong, cô quay lưng chạy thẳng về lán trại, ôm mặt khóc òa”.

- Ơ hay! Sao cô không khai người đã ân ái với cô cho nhẹ tội?

- Vì người ấy đã hy sinh sau trận đánh trả máy bay Mỹ, cháu à!

- Trời đất!

- Cô đã tính sẵn, nếu anh ấy còn sống, cô cũng nhất quyết không khai. Tội nghiệp gia đình anh ấy có ba người con trai thì hy sinh hết hai.

Trước khi anh lên đường đi B, bố mẹ anh đau đáu mong có đứa cháu nội. Anh gạt nước mắt, dứt áo ra đi báo thù. Cô ân hận là lúc đã mang thai với anh một tháng, cô chần chừ không báo tin cho anh biết…

Chị Thuận ngừng kể, có tiếng ai sùi sụt khóc.