T r u y ệ n n g ắ n

Xóm Giữa ngày ấy

Cập nhật, 05:47, Thứ Hai, 02/05/2016 (GMT+7)

 

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng

HỒNG ĐÀO

Buổi đánh bài tứ sắc ở nhà bà Năm sắp đến hồi kết thúc vì đã quá giờ cơm chiều. Tranh thủ lúc trưởng ấp Tửu đang khom lưng chia bài cho ván bài mới, bà Năm nhanh nhảu rót cho mình ly nước trà rồi uống vội.

Nước trà nguội ngắt như không khí của chiếu bạc bởi ai nấy đều uể oải cố đánh thêm vài ván cho trưởng ấp Tửu “gỡ” theo lời đề nghị của hắn.

Nhanh tay sắp xếp các lá bài vừa được chia, bà Năm suýt bật cười vì gương mặt nhăn nhó của trưởng ấp Tửu.

Đó là một gã đàn ông dáng vẻ bình thường sắp bước vào cái tuổi năm mươi lăm nhưng có vẻ hom hem già trước tuổi, cái già mau mắn đến có lẽ vì lúc nào đầu óc hắn cũng toan tính có thêm các món tiền từ đâu đó ngoài tiền lương còm cõi của chức trưởng ấp để dồn vào các cuộc đỏ đen, cung phụng cho các cấp trên và nhất là để đeo đuổi các cô vợ lính góa chồng trong xóm Giữa này.

Dưới mắt bà Năm, hắn là một tên trưởng ấp hạng bét, ăn lương “Quốc gia” mà chỉ giỏi mỗi cái việc lo chạy giấy tờ hưởng tử tuất cho mấy con vợ lính có chồng chết trận để có cơ hội chấm mút.

Đã qua cái tuổi sáu mươi và có trên hai mươi năm sống với nghề bán thịt heo tại cái chợ chồm hổm ở xóm Giữa nên bà Năm biết rất nhiều người, nhất là bọn làng lính trong cái xã này. Gần như không có tên nào “có chức” ở đây mà chưa có một lần được ăn thịt heo miễn trả tiền của bà.

Phải vậy thôi, nếu không thì làm sao yên được với chúng ở thời buổi lộn xộn này. Người được bà Năm để ý nhất trong bốn người trên chiếu bạc chiều hôm ấy là Sáu Được.

Nhìn bề ngoài, người này không có vẻ gì đặc biệt: mới vừa qua cái tuổi ba mươi, nhỏ người, trắng trẻo, mặt mày sáng láng chỉ có mỗi cái khuyết là đôi mắt ti hí cộng với bộ chân mày lợt nhớt nên trông có vẻ gian giảo.

Cả cái xã này ai mà không biết Sáu Được, nhưng không nhiều người biết rõ hắn có chức vụ gì trong cái đoàn lính bình định về đây hoạt động kể từ sau Tết Mậu Thân 1968.

Thông thường không thấy hắn ra vẻ chỉ huy ai, chỉ thấy hắn hay mặc thường phục la cà trong các đám nhậu nhẹt hay bài bạc như buổi đánh bạc tại nhà bà Năm chiều nay. Riêng bà Năm thì biết hắn khá rõ vì mấy lần Hai Niên- cháu gọi bà bằng thím- là cán bộ của Mặt trận Giải phóng ở xã lần nào đột nhập về xóm này cũng hỏi bà về quy luật đi lại của hắn.

Hai Niên nói Sáu Được là một tên rất nguy hiểm và muốn khử hắn để trừ họa cho cách mạng và cho dân, dù họ là bạn thường chơi chung lúc còn đi học ở ngôi trường độc nhất tại xã.

Nói Sáu Được là một tên nguy hiểm thì bà Năm tin, vì cứ coi cái cách hắn đến chơi bài tại nhà bà mà trong các câu chuyện do hắn gợi lên trong lúc ấy phần nhiều là các chuyện sinh hoạt hay đi lại của nhiều người trong xóm và nhất là đi đâu hắn cũng kè kè khẩu ru lô cắt nòng bên mình kể cả lần đi đánh bạc này.

Theo lời Hai Niên, về đêm mới là lúc “con quỷ đội lốp người” này hoạt động. Nó hay đi một mình, nhiều lắm cũng một hai tên bộ hạ thân tín đi theo. Những lần đi một mình, hắn luôn thủ hai cây súng, một khẩu ru lô và một khẩu tiểu liên Mi báng xếp.

Hắn thủ thân là phải, vì mấy vụ thiệt hại của đội du kích và nhiều người dân trong xã gần đây bị địch bắt đi tù, bị làm tiền đến tan nhà nát cửa luôn có bàn tay của hắn.

Đối với bà Năm, tên trưởng ấp Tửu “già không bỏ, nhỏ không tha”. Với bản tính bép xép hay chú ý đến chuyện trai gái nên trong một lần nói chuyện cà kê sau khi được bà biếu mấy cặp lạp xưởng được chế biến bằng thịt heo bán ế, hắn vui miệng xì cho bà biết: “Sáu Được đâu chịu thua tui, nó cũng có một con vợ nhỏ hí…”

Chuyện con vợ nhỏ của Sáu Được có một cái sạp tạp hóa ở cuối xóm Giữa và hắn hay đến đó qua đêm vào các đêm trăng sáng được bà Năm báo lại cho Hai Niên với lời dặn dò “kỹ nghe con!”

Bà nói thế bởi bà biết những đêm trăng sáng là khoảng thời gian không thích hợp cho các hoạt động du kích vì bọn làng lính hay bung ra phục kích và bản tính của Hai Niên nói là làm. Với lại thằng Sáu Được hình như gần đây có vẻ dè chừng.

Mới đây thôi, biết rõ bà với Hai Niên có họ hàng với nhau, hắn đã nói nhắn: “Cho tôi gởi lời hỏi thăm thằng Niên. Nói nó ráng sống đến độc lập để hai đứa còn cự cãi với nhau”…

Tin Sáu Được bắn chết Hai Niên hồi hôm rồi cắt đầu bêu ở đầu cầu gần trụ sở tề xã khiến bà Năm rụng rời tay chân cũng được chính tên trưởng ấp Tửu báo lúc sáng sớm.

Hắn kể: “Lẽ ra phát hiện có thằng Sáu Được tại nhà con vợ bé thì thằng Niên cho vài quả lựu đạn vào chỗ vợ chồng chúng nó ngủ thì nó tiêu đời.

Đàng này, chắc vì Hai Niên nhân từ với con vợ nhỏ thằng Sáu đang có chửa nên chọn cách giả làm người kêu cửa hỏi mua rượu để tách con vợ nó ra mở cửa nên hại cái thân.

Thằng Sáu Được là một con quỷ mưu mẹo một bụng nên thằng Niên ăn trọn một băng tiểu liên chết liền tại cửa. Thằng Niên to con sầm sầm mà trăng lại sáng, thằng Được trong tối làm sao không nhận ra chứ?”

Kể xong, hắn liếc cặp mắt gian giảo nhìn bà Năm rồi chép miệng nói bâng quơ: “Mẹ nó, làm sao thằng Niên lại biết đêm qua thằng Được đến ngủ ở nhà con vợ bé chứ?”

Bà Năm kiềm lòng bán cho hết buổi chợ rồi mới lò dò ra chiếc cầu nơi treo chiếc đầu Hai Niên, bởi bà biết nếu không khéo cái bọn thằng Tửu, thằng Được tìm ra sơ hở thì có nước lo cho chúng ăn hết của cải trong nhà mà chẳng thoát được cảnh đi tù. Bà bất ngờ gặp Sáu Được ở cách đầu cầu khá xa, hắn như từ dưới đất chui lên với giọng lạnh ngắt:

- Tui biết thế nào bà cũng ra nên ở đây đón bà. Má thằng Niên kìa, từ sáng đến giờ khóc hết nước mắt xin tui nghĩ tình là bạn học với nó cho bả nhận cái đầu của thằng con, nhưng tui đâu cho. Tui đợi bà đó!

- Đợi tôi chi? Tôi có là mẹ con với Hai Niên đâu- bà Năm gạt ngang, nhưng Sáu Được chưa buông tha:

- Thì không là “đồng chí” cũng là cháu của bà, mà bà đành không xin sao?

- Ừ thì là cháu, mà nè, Sáu với thằng Hai Niên không là bạn học sao? Giết thì đã giết, bêu xấu nó thì cũng đã làm rồi. Thôi cho tôi xin để các ông còn cái đức cho con cháu…

Nghe bà Năm nói đến đó, mặt tên Sáu Được đanh lại rồi cười hăng hắc:

- Đ.M, có đức đâu mà để. Bà dìa đi…

Nói xong, hắn bỏ đi một nước về hướng trụ sở tề xã. Còn lại một mình, bà Năm ngồi bẹp xuống đất vì bỗng nhiên cảm thấy đôi chân mỏi nhừ.

Bà mẹ của Hai Niên đang ở gần đó thấy bà cũng đến ngồi bên cạnh. Hai người đàn bà đau khổ ngồi bên nhau dưới cái nắng chang chang của buổi trưa mà không ai nói với nhau câu nào. Mấy người có nhà gần đó ra bảo họ vào nhà tránh nắng, họ gật đầu nhưng vẫn ngồi yên. Ai đó đưa cho họ hai chiếc nón lá.

Người ta kể Sáu Được từng ăn gan người mà hắn giết, bà Năm thật lòng không tin vì hắn còn là con người mà, nhưng qua sự việc cắt đầu Hai Niên rồi bêu ở đầu cầu lần này khiến bà ngờ ngợ…

Trời đã xế chiều, số người tụ tập chung quanh hai người đàn bà càng lúc càng nhiều. Ai cũng lắc đầu khi biết việc chôn cất cho Hai Niên đã sẵn sàng, chỉ đợi người nhà đem chiếc đầu của anh về là có thể đóng nắp hòm.

Mỗi người nói một câu bày một cách để làm thế nào cho Sáu Được và bọn tề xã trả cái đầu Hai Niên về cho gia đình. Có ý kiến là cùng nhau kéo lên tề xã xin khiến bà Năm phân vân, bởi bà rõ tính của thằng Sáu Được rất gian giảo. Nếu làm căng, hắn hứa bừa ngày hôm sau sẽ trả rồi đến đêm hắn thủ tiêu cái đầu thì ai làm gì được hắn…

Đúng lúc đó, có một người chạy xe đạp từ trụ sở tề xã xuống cho hay Sáu Được nhắn với bà Năm chiều tối hắn mới cho phép gia đình nhận cái đầu Hai Niên về chôn.

Mọi người lại xôn xao bàn tán, có người bàn rằng ý Sáu Được đã chịu cho mà bây giờ cũng chiều rồi, cả nhóm nên kéo lên cầu nhận cái đầu của Hai Niên về kẻo tối. Nghe có lý, mẹ Hai Niên kéo tay bà Năm đi. Cả nhóm người kéo theo…

Đến đầu cầu, mọi người một lần nữa bị bất ngờ khi thấy có Sáu Được đứng trong tốp lính giữ cái đầu Hai Niên. Càng ngạc nhiên hơn là chúng đông đến cả tiểu đội. Một tên lính ngăn họ lại:

- Ai cho các bà tụ tập đến đây, bộ muốn làm loạn hả?

- Ông Sáu đã nhắn cho phép rồi mà!- một người trong nhóm trả lời.

Hai nhóm người đứng đối mặt nhau, một bên là bọn lính ở xã, một bên là một nhóm người dân xóm Giữa, họ tranh nhau đối đáp ồn ào.

Thấy có Sáu Được ở đó, có người mấy lần đề nghị “ông Sáu” giải quyết nhưng hắn vẫn im lặng, một tay hắn để trong túi quần lì lợm chăm chú nghe mọi người đối đáp giống như một con cáo đang rình mồi.

Bỗng dưng có một tiếng súng đơn độc nổ đánh đốp đâu đó rồi Sáu Được đổ gục xuống. Cảnh la hét hỗn loạn diễn ra khi bọn lính hốt hoảng nổ súng chỉ thiên loạn xạ vì chúng biết tiếng súng không phát ra từ nhóm người dân đối diện, nhưng từ đâu thì chưa xác định được…

Chợ xóm Giữa sáng hôm sau có vẻ vắng hơn mọi hôm. Sạp bán thịt heo của bà Năm ế nhệ, bà mặc kệ vì cũng quá mệt mỏi do đêm qua phải cùng hàng xóm lo chôn cất Hai Niên. Có người nói cho bà biết, bọn làng lính hiện đang tập trung ở nhà Sáu Được để làm đám ma cho hắn.

Hắn tắt thở tại trạm y tế sau khi trúng một viên đạn “mồ côi” xiên vào hông, đúng vào chỗ nghiệt lúc mọi người tụ tập tại đầu cầu chiều hôm qua. Không ai nói nhưng bà biết Sáu Được chết thì nhiều người trong cái xã này thở khì nhẹ nhõm, ác ôn như hắn mà sống dai mới lạ.

Cái lo của họ bây giờ là cẩn thận không để sơ hở cho bọn đàn em Sáu Được vin vào cái cớ nào đó làm tiền khi bọn tề xã cố điều tra xuất xứ của viên đạn mồ côi đó.

Riêng gã trưởng ấp Tửu có lẽ bên cạnh cái lo về cái chết tương tự như thế, hắn lại mừng vì có thêm mối làm ăn và được dịp ve vãn đến hai con vợ của thằng Sáu Được qua cái chuyện chạy thủ tục nhận tiền tử tuất, “nghề của chàng” mà!