Ăn có nhai, nói có nghĩ

Cập nhật, 09:19, Thứ Năm, 22/10/2015 (GMT+7)

Tôi có tật ồn ào, nói nhiều nhưng không để bụng. Chồng tôi thì hay càu nhàu rằng tôi cằn nhằn quá nhiều, khiến anh cảm thấy “không an toàn” trong ngôi nhà của mình. Từ lời nói của chồng, tôi kiểm lại thì quả là tôi nói nhiều hơn trước thật, nhưng chủ ý của tôi là muốn nhắc nhở mọi người làm tốt trọng trách của mình thôi.

Ví dụ như nhắc con thu dọn mùng mền mỗi sáng (nếu bỏ bừa đó thì tôi phải… cằn nhằn), nhắc chồng phơi đồ, kéo căng dùm dây phơi,… Còn khi chồng con ra ngoài thì nhắc nhở chạy xe cẩn thận, về nhà ăn cơm… Và đương nhiên khi sai quấy thì cũng phải nghe “tụng” chứ!

Nhưng mà đôi khi tôi cũng hơi bị “vô duyên” (chồng nói vậy), hay nói hớ- nhất là với bà con hay bạn bè của anh. Tôi thì vô tư, nghĩ mình thiệt thà, nghĩ sao nói vậy, không kiểu cách, khách sáo… Tôi như vậy thì có đáng chê trách hay không?

tanhonglyxx@gmail.com

Ông bà ta thường nhắc nhở những ai có tính nói nhiều mà thiếu suy nghĩ rằng: “Há miệng mắc quai”, “Ăn bớt bát, nói bớt lời”,… Các cụ nhắc như vậy vì có khi vì nói nhiều mà ta … nói bậy.

Bạn nên nhớ là “Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời”. Nhiều người rất vô tư, muốn nói là nói, không “uốn lưỡi” năm ba bận chi hết nên có khi vô tình gây tổn thương cho người khác mà không biết.

Còn theo lời bạn thì nói nhiều cũng để xây dựng gia đình mình đi vào nề nếp. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự thấy mình nói nhiều thì cũng nên tiết chế lại nhé. Nên nhớ rằng: “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”.

Tuy lời nói bay đi nhưng dư âm của nó để lại có khi khiến tan vỡ một mối quan hệ vốn rất tốt, bạn à. Sophoele cũng nhắc: “Đối với phụ nữ, im lặng cũng là một thứ trang sức”. Đặc biệt, trong đời sống vợ chồng, khi một người nào đó nói nhiều mà người kia không muốn nghe thì thật là… tai họa. Nhất là khi tâm không bình, khí không hòa thì lời nói hay mắc lầm lỗi.

Cho nên, ông bà ta cũng có một câu nghe rất hay và cũng rất đáng suy ngẫm: “Chim khôn chưa bắt đã bay, người khôn ít nói ít hay trả lời”.

 

HOA HỒNG