Rau dền cơm nấu "canh tơm"...

Cập nhật, 00:17, Thứ Tư, 12/05/2021 (GMT+7)

Rau dền cơm là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình vùng nông thôn, song rau dền cơm thì khó tìm hơn so với các loại rau dền khác. Bởi đây là loại rau hay “mọc ké” trong các luống rau quê như: mồng tơi, cải, xà lách… mà chẳng cần gieo trồng. Ra Giêng, khi nhổ cỏ dại trong các luống rau, mẹ tôi hay để dành lại rau dền “không trồng mà mọc” này để nhà ăn. Ngoài ra, rau dền cơm cũng là loài “cỏ dại” mọc lẫn lộn trong các vồng khoai, đám đậu phộng, đậu đen… Khi làm cỏ đậu, các bà mẹ quê nhổ mang về nhà chế biến các món ăn.

Rau dền cơm thuộc dạng thân thảo, mọc thẳng, thân mọng nước, màu xanh, gốc có màu nâu, rễ màu trắng ngà. Từ thân có thể phát triển ra nhiều cành nhỏ. Lá đơn, nhỏ, mọc so le. Hai bên mép lá nhẵn, 1 đầu hơi nhọn. Hoa mọc thành cụm, đơn tính hoặc lưỡng tính, có 4- 5 cánh nhỏ. Hạt rau dền cơm nhỏ được bao bọc trong một lớp vỏ sừng. Khi rơi xuống đất, hạt có thể bị chôn vùi một thời gian dài mới nảy mầm. Đặc biệt, cây rau dền có bộ rễ khỏe, ăn sâu và bám chắc vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng cũng như nước duy trì sự sống cho cây nên vào mùa hè rau dền cũng xanh tốt.

Cuối xuân, vườn rau mẹ tôi trồng đã cắt bán và ăn gần hết các loại rau trồng, chỉ còn những cụm rau dền cơm xanh tươi. Lúc này mẹ nhổ rau dền cơm để nguyên cả rễ và rửa sạch để chế biến các món ăn. Mẹ cho hay, mùa này rễ rau dền cơm ăn mềm và rất bùi, ngọt, bỏ đi rất uổng. Đơn giản nhất là luộc rau dền cơm chấm với mắm cái hay mắm nêm pha ớt tỏi ăn cũng rất hao cơm. Hay xào với tôm, thịt cũng rất bắt mắt, hấp dẫn.

Lúc sinh thời, mẹ tôi cho hay, gọi là rau dền cơm có thể là do cây nhỏ, thân, lá nhỏ, bé nên gọi là “dền cơm”. Rau dền cơm ưa mọc hoang ở cả miền núi lẫn đồng bằng, nhất là những nơi có độ ẩm cao. Rau dền cơm có vị ngọt, tính hàn, được biết đến với tác dụng giải nhiệt, làm mát gan, nhuận tràng, thông tiểu, lợi khí, trừ thấp, khai khiếu trị táo bón… Rau dền cơm có thể chế biến các món ăn dân dã như luộc, nấu canh hoặc xào với tôm, thịt…

Lúc sinh thời, mẹ tôi thường ra vườn nhổ rau dền cơm nấu canh với tôm tươi. Mẹ nấu như sau: Tôm tươi rửa sạch, bóc vỏ, rút chỉ đen, bỏ đầu. Lấy thịt tôm cho vào chiếc bát nhỏ, ướp với 1 chút nước mắm, hạt nêm, hành tím, muối, bột ngọt rồi xào sơ qua với dầu ăn. Cho thêm nước dùng vào nấu sôi, bốc nắm rau dền cơm (đã rửa sạch) cho vào, chỉ cần sôi qua vài dạo là rau chín, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.

Nhìn bát canh rau dền cơm có màu xanh ngát, điểm xuyết thêm màu đỏ của tôm khiến những ai kén ăn nhất cũng không thể bỏ qua món canh hấp dẫn rất thích hợp trong những ngày nắng nóng. Gắp một đũa rau dền cơm nấu canh tôm đưa vào miệng, cảm nhận vị mềm, bùi, ngọt của loại rau dân dã này rồi “húp” chén nước canh ngọt mát giúp “giải nhiệt” oi bức của khí trời vào những ngày cuối xuân sang hè.

Ngày nay, dù có đi nhiều nơi, được thưởng thức các món ăn đặc sản của mỗi vùng miền, khá lạ và ngon. Song, hình bóng thân thương của mẹ và dư âm hương vị của bát canh rau dền cơm của ngày thơ tấm bé đã đeo đẳng trong tôi suốt cả cuộc đời. Tôi làm sao quên được mùi thơm của bát canh rau dền lan tỏa trong không gian nhà bếp buổi chiều xuân khiến cho những cái bụng đói của anh em chúng tôi cồn cào, thúc giục.

Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua khu vườn nhà ai, thấy bóng ai đang nhổ rau trong vườn, tôi cứ tưởng đó là bóng dáng thân thương của mẹ và nhớ lại hình ảnh cả nhà tôi quây quần ăn bữa cơm nóng sốt dẻo với món canh rau dền cơm dân dã thơm ngon. Xứ Quảng quê tôi, có nơi gọi con tôm là “con tơm” nên vẫn còn lưu lại câu ca: “Rau dền cơm nấu canh “tơm”/ Anh ăn một chén thảo thơm quê nhà…”

TIÊN SA