Vị ngọt ốc hấp tiêu

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 06/09/2016 (GMT+7)

Mỗi lần thưởng thức món ốc hấp tiêu, tôi lại nhớ đến nó. Thế mới hiểu được giá trị của tâm giao, tri kỷ luôn trường tồn theo thời gian và bất biến dẫu khoảng cách không gian là vạn dặm.

Tôi- nó: Đôi bạn chí thân. Nó: Đứa con của miền Trung xa xôi. Tôi: Hạnh phúc chào đời giữa đồng bằng cây lành, trái ngọt. Vậy mà, hai đứa lại hợp tính, hợp tình và trở thành chí cốt của nhau.

Tôi nhớ nó vì nó cũng giống tôi: thích ăn ốc hấp tiêu vô cùng. Đối với tôi và nó, ốc hấp tiêu không chỉ là một món ngon mà còn là món ăn chứa nhiều kỷ niệm.

Nhớ làm sao những buổi chiều, trời u buồn theo cơn mưa dầm rả rích. Nơi thành phố ấy, màn đêm giăng se sắt, im lìm. Cảnh buồn, trời mưa thêm đau đáu lòng những đứa sinh viên xa nhà như tôi và nó.

Tôi nhớ nhà, nó nhớ quê. Nỗi nhớ lớn dần và hóa thành nỗi lo khi cơn mưa cứ kéo dài như vô tận. Tôi thấp thỏm cho đám ruộng của cha vừa oằn bông ngoài đồng.

Nó lo cho quê nhà vì tin bão phương xa. Tôi thầm hiểu nó, nó cũng thấu dạ tôi. Trên chiếc xe đạp già, hai đứa đèo nhau đến quán ốc chốt ở vỉa hè của má Năm.

Quán ốc của má là nơi thường lui tới của nó và tôi. Vì một điều đơn giản: rẻ mà ngon. Đôi khi tôi và nó đến ăn chỉ để thỏa cơn thèm nhưng thỉnh thoảng cũng kèm theo xị đế bên dĩa ốc hấp tiêu.

Đó là cách kéo dài thời gian trò chuyện mà cũng là biện pháp hữu hiệu để vơi đi nỗi buồn luôn chảy ngược vào lòng của những thằng đàn ông tụi tôi. Ốc hấp tiêu có nhiều cách để làm nhưng để có được một dĩa ốc ngon, đậm đà thì không phải ai cũng làm được.

Thông thường sau khi ngâm và làm sạch ốc, đa phần người chế biến sẽ cho ốc vào nồi bắc lên bếp, khi ốc sôi nước thì cho hỗn hợp gồm: bột ngọt, nước mắm, tiêu, đường vào, chờ nước sôi trở lại là dùng.

Có người thì cho ốc vào nồi luộc trước, khi ốc chín vớt ra chắt bỏ nước rồi cho nước gia vị vào từng con ốc, bắc lên bếp hoặc để lên vỉ than nướng đến dậy mùi thơm là được.

Với cách làm này, khi ăn sẽ đậm đà hơn cách trước nhưng cái đậm đà chỉ là của gia vị, không còn độ ngọt của ốc và cả hai cách làm này ốc sẽ bị dai vì qua lửa hai lần.

Sự tinh ý nơi quán ốc của má Năm là ở chỗ này. Trước khi chế biến, má Năm bỏ công cạy miệng từng con ốc, sắp đứng vào nồi, đem hấp cách thủy. Khi hơi nóng của nước nơi đáy nồi hòa cùng hơi sả bốc lên sẽ làm nước bẩm sinh có trong ốc sôi, lúc này má cho nước gia vị vào. Hơn thua vẫn là ở cách nêm nếm gia vị và am tường tánh ý người ăn.

Khi thấy tôi và nó ghé quán, lúc nào má cũng cho thêm ít ớt tươi vào hỗn hợp nước nêm. Dĩa ốc của má không cần chấm thêm bất cứ thứ nước chấm nào.

Trước hết hãy húp một ít nước trong vỏ ốc để cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của ốc trong cái đậm đà của gia vị. Thịt ốc vẫn giữ được độ giòn dai thẩm thấu vị cay của ớt và ấm của tiêu. Tất cả như hòa phối tạo thành dư âm giòn, ngọt, thanh.

Giờ nó đã định cư ở trời Tây xa xôi không thể muốn là gặp như cái thời sinh viên ấy nhưng giữa tôi và nó vẫn mãi còn đó một tình bạn keo sơn, gắn bó. Tôi mong chờ ngày nó về thăm nhà, thăm quê.

Cuộc tao ngộ giữa tôi và nó vẫn ngự trị trên bàn ăn giữa những món mang hương vị Việt Nam sẽ là dĩa ốc hấp tiêu tự tay tôi làm theo cách đã học lóm từ má Năm.

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU