Món ngon 3 miền

Rau ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật, 15:05, Thứ Ba, 12/07/2016 (GMT+7)

ĐBSCL có rất nhiều thứ rau, mà có thứ tìm ở đâu cũng có. Từ những vùng đầy nước đến những vùng đất khô cằn, từ những vùng đầm lầy đến những vùng gò cao, nông dân đều có thể tìm các loại rau ăn.

Có những loại rau dân dã, rất đỗi gần gũi với cư dân ĐBSCL từ thời khẩn hoang mở đất phương Nam cho đến tận bây giờ vẫn được mọi người ưa thích.

Rau mọc ở vạt vườn, bờ ruộng hay lề đường, có thể hái về nhà rửa sạch, ăn sống là rau cải trời, cải đất, càng cua, rau má,... Người ăn cuộn rau rồi dùng đũa gắp chấm nước cá, mắm kho hay nước nắm, nước tương tỏi ớt. Rau răm thì không thể thiếu khi ăn hột vịt lộn hoặc bóp gỏi.

Loại rau dùng để cuốn có rau cải trời, hẹ, rau thơm, xà lách,... Cá lóc đồng hoặc cá trê non nướng rơm mà cuốn rau chấm nước mắm chua ngọt thì vị thơm và sự ngon ngọt không chỉ đọng trên đầu lưỡi.

Hoặc vào tháng 10, tháng 11 âm lịch, đi kéo lưới tép rong, lặc đầu luộc nước dừa nạo cuốn bánh tráng với các loại rau trên rồi chấm nước nắm cá linh ủ thì ăn quên no.

Loại rau qua chế biến mà nhanh và dễ ăn có món rau luộc. Hái đọt nhãn lồng, rau muống đỏ, rau lang, rau ngỗ, lá cách,... rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi, luộc vừa chín, vớt ra dĩa chấm với mắm kho quẹt là món ăn quen thuộc của nông dân Nam Bộ. Rau luộc chấm với nước nắm trong giằm hột vịt luộc ăn với cơm gạo thơm cũng thật tuyệt vời. Và, giờ đây, trong các nhà hàng sang trọng đã có món này với giá không hề rẻ.

Rau dùng để nấu canh chua có rau muống, kèo nèo, rau mác,… nấu với cá tra, ba sa, cá trê, cá chạch. Rau dùng nấu canh ngọt có rau bồ ngót, rau dền, rau má, mồng tơi,... nấu với các loại cá, trừ cá da trơn.

Nông dân thường bắt tép rong, bỏ đầu, dùng chày đâm tiêu đâm dẹp nấu canh bồ ngót, rau dền ngọt lừ, dùng làm canh chan cơm. Lẩu là biến thể của canh. Món lẩu chua- nhất là lẩu mắm rất “ăn” rau, với hàng chục thứ rau, từ kèo nèo, rau muống, cải xanh, cho đến rau đắng, rau dừa, rồi bông so đũa, bông súng,...

Lá cách dùng um lươn. Đọt bầu hấp cá lóc lai rai vài xị đế khi trời rỉ rả mưa thì thật ngon miệng, ấm lòng.

Rau dùng để làm gia vị cho món ăn thêm đậm đà và hấp dẫn có rau răm để trộn thịt gà xé phai, lươn nướng trộn gỏi rau răm. Rau ngò gai, rau om, rau cần dầy lá để nêm vào nồi canh chua lúc nấu chín.

Về đặc điểm có những loại rau chỉ ăn được lá như rau bồ ngót, rau cần dầy lá. Lá xoài, lá điều, lá lụa, lá vông, lá cách để cuốn bánh xèo. Lá mơ ăn với thịt chó. Loại rau ăn đọt có đọt nhãn lồng, đọt lang, cải trời, cải đất. Loại rau ăn thân có rau nhút, càng cua, rau má, bông súng, rau muống. Rau dùng ăn bông có bông so đũa, điên điển. Loại rau ăn trái có đậu rồng.

Về môi trường sống và phát triển, có loại rau chuyên sống trên cạn, mọc ở trong vườn cây ăn trái, bờ ranh ruộng hay lề lộ đất. Loại rau sinh sống ở những vùng ngập nước. Khi mùa lũ về, các loại rau trên cạn bị ngập nước, không phát triển thì các loại rau đặc trưng của mùa nước nổi phát triển mạnh như: mã đề, bông súng,…

Bông súng là loại rau nước, cọng tròn. Tước vỏ cọng bông nấu canh chua hay bóp gỏi ăn sống rất ngon và ngon nhất là ăn với lẩu mắm. Bông điên điển là loại rau đặc trưng của mùa nước nổi ở vùng đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, vùng tứ giác Long Xuyên và vùng đồng bưng của Đồng Tháp Mười. Bông điên điển nhỏ, màu vàng, dẹt bằng đầu ngón tay. Dùng làm gỏi, nấu canh chua, chấm mắm kho rất tuyệt. Rau mác, lục bình là loại rau dân dã.

Lá rau mác có đầu nhọn, hình tam giác cân. Người ăn tước lấy phần non nằm bên trong ruột của rau mác để ăn sống, chấm nắm kho hoặc nấu canh chua. Bông lục bình ăn như rau sống rất ngon.

Bông so đũa trổ bông vào giữa tháng 10 âm lịch khi trời bắt đầu có gió chướng. Bông này mà nấu canh chua với cá linh, cá rô, cá lóc (nói chung là cá đồng) hoặc nhúng, luộc chấm mắm kho, ăn với lẩu lươn, lẩu mắm rất ngon.

Các loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin, khoáng chất chẳng những bồi dưỡng cơ thể mà còn giúp sạch ruột, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Con người ngày càng đông, đất đai ngày càng hạn hẹp, rau thiên nhiên dần khan hiếm, không cung cấp đủ nhu cầu của con người. Nhiều nhà vườn đã thức thời trồng những loại rau “trời cho” như rau má, cải trời, bông súng, điên điển cung cấp cho thị trường, tăng thu nhập gia đình.

VĂN MƯỜI