Món ngon 3 miền

Về xã Thới Hòa ăn món "tương yêu"

Cập nhật, 09:46, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

 

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tết Bính Thân, tôi cùng anh em cơ quan về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Thới Hòa (Trà Ôn). Hôm ấy, mẹ mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa với gia đình.

Vợ chồng người con út của mẹ vừa tất bật nấu nướng vừa nói vui: Do chợ xã tan sớm và không có chuẩn bị trước nên vợ chồng em mời các anh tạm dùng món dân dã “tương yêu”.

Tôi có cái sở thích là rất mê các món ăn dân dã, vì nguyên liệu có sẵn và cách chế biến đơn giản nên thường có hương vị tự nhiên rất đặc biệt. Với món ăn có cái tên lạ hoắc mới được nghe qua, tôi thắc mắc hỏi anh Út, tại sao món ăn có tên như thế, và “tương yêu” có nghĩa là gì.

Anh Út trả lời: “Em cũng nghe người ta gọi vậy nên gọi theo chứ cũng hổng hiểu rõ gốc tích, ngọn nguồn”. Thôi tạm gác lại cái tên của món ăn này, để người biết rõ thì giải thích hộ tôi sau vậy.

Món “tương yêu”, thực ra cũng giống như món tiết canh vịt, nhưng tiết vịt được xào chín với thịt băm. Cách chế biến đơn giản nên thời gian thực hiện nhanh, rất thuận tiện làm món “khai hỏa” để chờ món ăn chính trong những trường hợp khách đến nhà đột xuất.

Vợ chồng anh Út thay nhau vừa chế biến món ăn vừa tiếp chuyện với chúng tôi, mới nghe tiếng băm thịt trên thớt chưa lâu thì mùi thịt vịt xào đã lan tỏa thơm đến nức mũi. Chúng tôi vừa uống xong ly nước mát thì đã thấy anh Út bày biện món ăn ra bàn.

Món chính là đĩa tiết vịt xào thịt vịt băm, ăn kèm theo là bánh tráng, bún, rau sống (gồm rau dấp cá, húng lủi và hẹ) và nước mắm ớt, chanh.

Thấy tôi còn đang ngơ ngác với món ăn lạ, anh bạn cùng cơ quan rất rành về món ăn này nhanh nhảu giải thích: Cách chế biến này thực hiện tuần tự như sau: đầu tiên lấy tiết vịt pha nước mắm để tiết không đông, khử hành tỏi và xào lòng và thịt vịt băm đến chín thì cho tiết vào xào tiếp, khi tiết vừa chín thì tắt nhanh bếp để không bị cháy khét và bày ra đĩa.

Có 2 cách ăn món này; một là lấy bánh tráng cuốn tiết vịt xào thịt băm, bún, rau sống, chấm nước mắm chanh, ớt; hai là: múc tiết vịt xào thịt băm vào chén, thêm bún, rau sống và nước mắm ớt, chanh và cứ thế mà chén thôi.

Cần lưu ý, món ăn này phải ăn nóng, nước chấm là nước mắm trong thêm ớt và chanh, không thêm đường, đặc biệt là có ly rượu đưa cay thì chí cốt, bằng hữu chỉ còn biết nói nho “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”.

Nói thật lòng, món “tương yêu” bữa trưa hôm ấy, trong không khí cởi mở, thân quen, chúng tôi ăn thiệt tình và ngon không chê vào đâu được.

Lòng và thịt vịt băm vừa giòn vừa ngọt và có vị beo béo của tiết, bún và rau sống ăn kèm quyện cùng nước mắm pha chanh, ớt tạo hương vị đặc trưng không những làm người ăn không ngán mà còn làm thèm ăn. Bữa trưa hôm ấy, chúng tôi dùng đến no và nhớ mãi tình cảm gần gũi, chân tình của gia đình.

Bài, ảnh: PHAN NGỌC RẠNG

Các tin khác: