Điều kiện với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam

Cập nhật, 21:48, Thứ Năm, 21/03/2024 (GMT+7)
Chính phủ ban hành Nghị định 30/2024/NĐ-CP ngày 7/3/2024 quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. Nghị định 30 có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. Nghị định 152/2013/NĐ-CP và Nghị định 57/2015/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2024.
Theo đó, điều kiện với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam như sau:
 
- Là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 30/2024/NĐ-CP:
 
+ Xe ô tô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái gồm: Từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động;
 
+ Xe mô tô 2 bánh.
 
- Có giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
 
- Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);
 
- Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô có tay lái ở bên phải: Có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam;
 
- Phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh;
 
- Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận; 
 
- Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày và phải thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Nghị định 30/2024/NĐ-CP.
BT (theo thuvienphapluat.vn)