Đại hội XIII- ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 26/01/2021 (GMT+7)

>> Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(VLO) Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đó là ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc.

Với phương châm: “Đoàn kết- Dân chủ- Kỷ cương- Sáng tạo- Phát triển”; mục tiêu tổng quát không chỉ đề cập đến xây dựng Đảng mà cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; phát huy sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển; chú trọng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ra trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Ngay trong chủ đề đại hội có thể thấy rõ, nhận thức của Đảng ta trong bối cảnh của đất nước hiện nay, đó là: kỳ vọng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đây là điểm mới và cũng là điểm nhấn của đại hội.

Nó có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; gắn mục tiêu phát triển đất nước với 2 sự kiện chính trị trọng đại, đó là: kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 2045: nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trên cơ sở đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đồng thời, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII nêu hệ quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Trong đó, nêu tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn mới là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bảo đảm lợi ích của quốc gia- dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã nêu 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 trên 12 vấn đề: (1) Định hướng xây dựng thể chế phát triển đất nước; (2) Định hướng về phát triển kinh tế; (3) Định hướng về phát triển GD- ĐT, khoa học và công nghệ; (4) Định hướng về xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam; (5) Định hướng về quản lý phát triển xã hội; (6) Định hướng về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; (7) Định hướng về bảo vệ Tổ quốc; (8) Định hướng về đối ngoại; (9) Định hướng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc; (10) Định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (11) Định hướng về xây dựng Đảng; (12) Định hướng về các mối quan hệ lớn.

Đồng thời, định hướng 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; phát triển GD-ĐT, khoa học và công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền
của Đảng

Dự thảo Báo cáo chính trị cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm, và xác định: 3 đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các khâu đột phá cụ thể sau đây: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Thiết thực chào mừng thành công của Đại hội XIII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm triển khai quán triệt và nỗ lực thi đua tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nội dung nghị quyết đại hội đề ra, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Đó cũng chính là thực hiện ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc Việt Nam.

KIM ANH