Tư tưởng độc lập, chủ quyền trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Cập nhật, 04:57, Chủ Nhật, 02/09/2018 (GMT+7)

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử sau Cách mạng Tháng Tám thành công có thể sánh ngang hàng với những áng thiên cổ hùng văn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khẳng định chân lý bất biến, phổ quát về độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia trên toàn thế giới.

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chính vì lý tưởng sống một đời vì nước, vì dân ấy, cho nên chưa lúc nào Người nguôi ngoai khát vọng độc lập và mang lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng độc lập, chủ quyền quốc gia trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh mở đầu được viện dẫn khéo léo song hết sức thuyết phục từ những tinh hoa của 2 bản tuyên ngôn:

Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.

Cả hai bản tuyên ngôn trên đều khẳng định: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tuy nhiên, điều đóng góp độc đáo ở đây là Người đã mở rộng từ quyền con người cá thể sang quyền độc lập, tự do và quyền tự chủ của quốc gia Việt Nam.

Hồ Chí Minh khẳng định 2 bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp là bất hủ, đồng thời uyển chuyển khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc ta chỉ là sự mở rộng từ quyền làm người một cách hợp pháp, đúng với lẽ phải không ai chối cãi được bằng một cụm từ “suy rộng ra” thật đặc sắc:

“Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Nhận xét về điều này, một nhà văn hóa nước ngoài đã viết: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc.

Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.

Rõ ràng ngay từ đầu, mục đích sáng tác áng văn chính luận độc đáo này, tư tưởng độc lập, chủ quyền quốc gia mà Hồ Chí Minh muốn khẳng định với nhân dân Việt Nam và thế giới là rất cụ thể, sống động bằng những viện dẫn chính xác, thông minh và giàu tính thuyết phục.

Chúng ta đều biết rằng, nước Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX, đến năm 1940, Nhật hất cẳng Pháp nhảy vào xâm lược Đông Dương. Khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, tạo thời cơ cho cả nước đứng lên giành lại chính quyền.

Cũng cần nhớ rằng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập thì ở phía Nam, thực dân Pháp đang nấp sau lưng quân đội Anh tiến vào Đông Dương, còn ở phía Bắc thì bọn Tàu Tưởng là tay sai của Mỹ đang chực sẵn ở biên giới.

Thực dân Pháp đang rắp tâm xâm lược nước ta lần thứ hai với lời lẽ hùng hồn của bọn cướp nước: Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp, Pháp có công khai hóa vùng đất này cho nên đương nhiên phải do người Pháp quản lý.

Bác bỏ hẳn những rêu rao xảo trá ấy, Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác về chính trị và kinh tế của Pháp sau hơn 80 năm đô hộ nước ta, kết quả làm cho hơn 2 triệu người chết đói vào năm Ất Dậu 1945, đồng thời Người cũng khẳng định:

“Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa.

Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Với lập luận đanh thép, trước toàn thể đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh đã vạch rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa của bọn thực dân Pháp, đồng thời khẳng định chủ quyền độc lập của nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tư tưởng độc lập, chủ quyền được thể hiện khá rõ nét ở phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập. Bằng giọng văn hùng hồn, đanh thép, lời văn cứng cỏi, quyết liệt, một lần nữa Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước nhân dân toàn thế giới về lập trường của Việt Nam:

“Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký kết về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Sau lời tuyên bố dứt khoát về quan điểm của nước Việt Nam mới với Pháp, cuối cùng Hồ Chí Minh đã đưa ra một kết luận hùng hồn mang tính thời đại:

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ra đời cách đây hơn 73 năm, song Tuyên ngôn độc lập vẫn soi sáng chân lý cho dân tộc ta đến ngày hôm nay trong công cuộc khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và đã được thế giới công nhận.

Mỗi người dân Việt Nam cần phải được trang bị và có sự hiểu biết các nguyên tắc pháp lý quốc tế về lãnh thổ, lãnh hải; hiểu rõ lịch sử nước ta qua các thời kỳ, bên cạnh đó cần nắm chắc các diễn biến tình hình thời sự trong và ngoài nước để từ đó có thêm những hành động thiết thực nhằm thể hiện lòng yêu nước của mình theo đúng các quy định pháp luật.

Vì thế, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch mãi mãi trở thành ngọn đuốc soi đường dẫn dắt dân tộc ta vững bước đi lên, đồng thời khẳng định vững chắc tư tưởng độc lập, chủ quyền quốc gia như Người hằng mong ước.

LÊ THÀNH VĂN