Chủ tịch Tôn Đức Thắng- người cộng sản Nam Bộ kiệt xuất

Cập nhật, 11:32, Thứ Bảy, 01/09/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người con ưu tú của quê hương An Giang, người công nhân Việt Nam đầu tiên đi đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới…

Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc sinh thời về thăm quê và ngôi nhà ở  cù lao Ông Hổ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc sinh thời về thăm quê và ngôi nhà ở cù lao Ông Hổ. Ảnh tư liệu

Chất người cộng sản Nam Bộ

Bác Tôn- như nhiều người vẫn gọi thân thương, là người sống chân thành mà chí khí cao cả, làm nhiều nhưng nói ít, luôn nỗ lực phấn đấu không vì ham muốn địa vị, vật chất mà vì nước, vì dân; là vị lãnh tụ của nhân dân, tràn đầy tình yêu thương đồng chí, đồng bào.

Anh hùng Lao động, GS. Trần Văn Giàu viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Tác phẩm hay nhất của cụ chính là cuộc đời của cụ.

Cụ Tôn là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng các tác phẩm của mình.

Nhưng thực tế, người đã để lại cho đời sau chúng ta rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm nhiều hơn những bài viết”.

Cái chất Nam Bộ ấy cũng thể hiện qua một số mẩu chuyện về người. Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nhà sử học, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng kể lại, năm 1969, ông gặp bác Tôn tại nhà riêng (số 35 phố Trần Phú- Hà Nội), sau khi nghe báo cáo về tình hình miền Nam, bác nói với đồng chí Phạm Hùng:

“Nghe phong trào anh hùng trong Nam, tao khỏe hơn, nói cho chú mày biết, nãy giờ tao nghe Mười Cúc, Bạch Đằng nói ít chuyện mà đã thấy hăng rồi...”

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và rời xa quê hương, Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc nào cũng đau đáu với quê hương.

Trong suốt 3 thập niên, khi còn sống giữa núi rừng Chiến khu Việt Bắc cũng như lúc về sau, ngày giải phóng Thủ đô, bác Tôn từng viết: “Trong từng giờ, từng phút, tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, đang bị bọn đế quốc và bọn tay sai tàn phá...

Tôi muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu”.

Khi được bầu vào BCH Trung ương Đảng (1/1948), là người con Nam Bộ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nhiều lần đề nghị với Bác Hồ và Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến.

Hay có lần, đồng chí Trần Văn Trà lúc đó là Khu trưởng Khu VIII Nam Bộ ra báo cáo với Trung ương và Bác Hồ, bác Tôn đến thăm và trao đổi thân tình “lúc nào tôi cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới chiến trường Nam Bộ là nơi đồng chí,

đồng bào đương kháng chiến gian lao...” và ông đề nghị đồng chí Trần Văn Trà báo cáo lại với Xứ ủy, với đồng bào Nam Bộ rằng “Tôn Đức Thắng là người con của nhân dân Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, nghĩ tới xứ sở mà mình đã sinh ra và đã từng hoạt động...”.

Bởi thế, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “... chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người...”

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương

Ngày khánh thành cầu nông thôn ở xã Mỹ Hòa Hưng.
Ngày khánh thành cầu nông thôn ở xã Mỹ Hòa Hưng.

Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên- An Giang) hôm nay đã thay da đổi thịt. Để làm được điều đó, phải kể đến các cấp chính quyền đã đoàn kết một lòng và nâng cao tinh thần trách nhiệm, là cách học theo đức tính của bác Tôn.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Hòa Hưng Trương Công Tươi cho biết, chính quyền và nhân dân nơi đây xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng là việc làm thường xuyên, liên tục.

“Chúng tôi học và làm theo bác về tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, phục vụ nhân dân, nỗ lực phấn đấu, đóng góp nhiều nhất để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết.

Ông Tôn Thành Thái- cháu đời thứ 3 của bác Tôn hiện công tác tại Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng.
Ông Tôn Thành Thái- cháu đời thứ 3 của bác Tôn hiện công tác tại Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng.

Hiện xã Mỹ Hòa Hưng đã đạt chuẩn nông thôn mới và vẫn đang tiếp tục duy trì, phát triển thêm để giữ vững các tiêu chí.

Ông Tôn Thành Thái (63 tuổi, cháu nội ông Tôn Đức Nhung- em ruột bác Tôn) cho biết rất vinh dự và tự hào. Trong ký ức, hình ảnh bác Tôn rất đỗi bình dị của kiểu người Nam Bộ, tình cảm của bác Tôn đối với lối xóm, bà con thân thuộc rất khắng khít, mộc mạc, chân thật, hào phóng... “Tôi luôn dạy con cháu tôi phải học theo đức tính và phong cách của cha ông”- ông Thái nói.

Cù lao Ông Hổ hiện nay là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước khi có khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng mô hình du lịch cộng đồng (homestay).

Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành 9 điểm nghỉ dưỡng homestay, 4 điểm kinh doanh ăn uống, dịch vụ đi thuyền và xe đạp.

Tại đây, du khách có thể đến ăn, ở và sinh hoạt cùng gia đình người dân, thu hút mỗi năm trên 3.200 lượt khách trong và ngoài nước tham quan nghỉ dưỡng, trong đó có 70% là khách nước ngoài.

Với mô hình du lịch cộng đồng, doanh thu bình quân đạt trên 42 triệu đồng/hộ/năm.

Những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của bác Tôn sẽ mãi mãi được ghi lại và là những bài học truyền thống quý báu cho tuổi trẻ, thế hệ mai sau học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Ngay chính trên quê hương bác Tôn, anh Lê Minh Kháng hiện là công an viên, vừa là Ủy viên Thường vụ Xã Đoàn Mỹ Hòa Hưng đã được tặng nhiều bằng khen của Tỉnh Đoàn An Giang, với nhiều việc làm thiết thực và hiệu quả.

Có được kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu, học tập và noi theo tấm gương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Với sáng kiến mô hình “Bàn viết hộ”- anh Kháng cùng nhiều đoàn viên khác đã giúp người dân tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính.

“Mô hình này đã giúp cho người dân dễ dàng làm các thủ tục giấy tờ, nếu ai không biết chữ thì được cán bộ viết không phải thuê người hoặc viết đi viết lại nhiều lần.

Mô hình này đã có hiệu quả và Đảng ủy, UBND xã yêu cầu chúng tôi duy trì thường xuyên để tiện lợi hơn cho người dân”- anh Kháng chia sẻ.

Chăm chú theo dõi lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, anh Nguyễn Phát Đầy (huyện Chợ Mới) cho biết, rất vui và tự hào về quê hương Mỹ Hòa Hưng nói riêng và An Giang nói chung.

Để học tập, noi gương bác Tôn, anh Đầy cho biết mình luôn đem nhiệt huyết, tấm lòng vào công việc, “đó là học tính cách nhiệt tình, tâm huyết của bác Tôn đối với công việc, với xây dựng tương lai”.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang Võ Thị Thủy Tiên cũng cho biết, tuổi trẻ An Giang rất tự hào trên mảnh đất quê hương đã sinh ra và hun đúc nên một lãnh tụ cách mạng, một tâm hồn vĩ đại: “Thế hệ của bác Tôn là thế hệ người mở đường, dựng nước.

Thế hệ trẻ hôm nay phải có trọng trách nối tiếp sự nghiệp xây dựng quê hương, bằng tính năng động sáng tạo, xung kích, tình nguyện, hội nhập vươn lên...”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, 40 năm kể từ khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đi xa, cùng với quá trình đổi mới, phát triển nhanh chóng của đất nước, An Giang đã có nhiều thay đổi, tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời bộ mặt nông thôn không ngừng được cải thiện, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY- MINH THÁI