Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên: Phải khắc phục được "3 sợ"

Cập nhật, 16:26, Thứ Năm, 21/06/2018 (GMT+7)

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, ngoài những chuyển biến tích cực vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Tại ấp An Hòa B (xã Bình Ninh- Tam Bình) duy trì khá tốt và thu hút đông đảo thành phần tham dự các buổi họp lệ 3 chi + 1 (Chi bộ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi đoàn Thanh niên và CLB Cựu quân dân).  Ảnh: XUÂN TƯƠI
Tại ấp An Hòa B (xã Bình Ninh- Tam Bình) duy trì khá tốt và thu hút đông đảo thành phần tham dự các buổi họp lệ 3 chi + 1 (Chi bộ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi đoàn Thanh niên và CLB Cựu quân dân). Ảnh: XUÂN TƯƠI

Nhiều chuyển biến tích cực

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết này, cấp ủy đảng các cấp quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong, gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo phải nắm tình hình tư tưởng trong nội bộ và dư luận xã hội. Đồng thời, chú trọng nêu gương, phản ánh gương người tốt, việc tốt;

phê phán đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện nghiêm việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Theo đồng chí Trần Văn Hên- Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết với chi bộ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để rèn luyện, phấn đấu và làm cơ sở cho việc kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng cuối năm.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy trực thuộc phân công các đồng chí ủy viên thường vụ, cấp ủy viên, lãnh đạo các ban đảng tham dự họp lệ của các tổ chức cơ sở đảng; đảng ủy cơ sở hàng tháng đều phân công các đồng chí đảng ủy viên tham dự sinh hoạt các chi bộ trực thuộc…

“Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, các đồng chí được phân công dự sinh hoạt vừa chỉ đạo, vừa hướng dẫn, kiểm tra sinh hoạt chi bộ đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định, đồng thời uốn nắn những mặt hạn chế, thiếu sót và định hướng những nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên để chi bộ triển khai thực hiện”- đồng chí Trần Văn Hên cho biết thêm.

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên cũng được thực hiện thường xuyên nhằm làm trong sạch tổ chức đảng. Hàng năm, cấp ủy các cấp đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng.

Quyết tâm của cấp ủy các cấp là phải xử lý nghiêm tổ chức, đảng viên vi phạm nhằm làm trong sạch bộ máy trong hệ thống chính trị, loại khỏi đội ngũ những đảng viên suy thoái.

Phải khắc phục tình trạng “3 sợ”

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh hầu hết đều có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, an tâm công tác, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết này, kinh nghiệm được rút ra là xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, chi bộ, đảng bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để xây dựng chi- đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, chi- đảng bộ thể hiện rõ ở sự chấp hành và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.

Trong số những nhiệm vụ được nêu ra, việc tự phê bình và phê bình có vai trò then chốt, nhất là trong các cuộc sinh hoạt của chi bộ. Bởi lẽ, mọi vấn đề về khuyết điểm cá nhân, các hành vi vi phạm, mất đoàn kết, không dân chủ… thì cán bộ, đảng viên ở chi bộ thường là người biết trước tiên.

Nếu phát huy tốt tự phê bình và phê bình thì những vụ việc đó sẽ sớm được giải quyết và sẽ không phải đi đến việc xử lý kỷ luật sau này.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay việc tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ còn mang tính hình thức, tính chiến đấu chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm dẫn đến chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót của đảng viên để đấu tranh ngăn chặn.

Ông Nguyễn Thành Tâm- quyền Bí thư Huyện ủy Mang Thít- cho biết: Ở nhiều nơi, chưa thấy rõ vai trò quan trọng của tự phê bình và phê bình, nhất là chi bộ ấp- khóm.

Vì đa số là hàng xóm, thậm chí là cô chú bác, bà con với nhau nên họp chi bộ qua loa, hình thức. Một tình trạng đáng lưu ý ở một số chi bộ trong công tác tự phê bình và phê bình là còn tồn tại “3 sợ”- cấp trên sợ phê bình cấp dưới vì sợ chỉ trích, phanh phui;

cấp dưới sợ phê bình cấp trên vì sợ cô lập, trù dập; đồng chí sợ phê bình nhau vì sợ mất lòng. Đây là 3 cái sợ rất nguy hiểm cần phải khắc phục sớm để xây dựng cấp ủy, chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

THANH TÂM