Làm báo thời hiện đại- bản lĩnh vượt thách thức

Cập nhật, 08:39, Thứ Năm, 21/06/2018 (GMT+7)

Làm báo thời hiện đại dễ hay khó? Chúng tôi đã gặp những nhà báo thuộc nhiều thế hệ và nhận được câu trả lời có “mẫu số chung”: dễ có dễ mà khó thì rất khó.

Có thể thấy, thời hiện đại với công nghệ phát triển như vũ bão, cơ sở vật chất đầy đủ, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện đã tạo cho người làm báo môi trường làm việc thuận lợi chưa từng có nhưng cũng tạo ra những thách thức mới, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh để vượt qua.

Bản lĩnh ấy được tôi luyện từ tình yêu nghề, ý thức tự học không ngừng và hành trình dấn thân, lăn xả với nghề không ngại ngần gian khổ, hiểm nguy…

Đặc biệt, trong suốt hành trình ấy, người chiến sĩ cách mạng thời hiện đại cần không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức đối với nhà báo thời hiện đại. Trong ảnh: Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức đối với nhà báo thời hiện đại. Trong ảnh: Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Kỳ 1: Những thách thức mới

Có nhiều ý kiến rằng, làm báo thời hiện đại “quá sướng” bởi “quá đầy đủ”. Tuy nhiên, cũng có người nói làm báo thời nay “quá khó” bởi khó khăn, thách thức nảy sinh từ nhiều phía, trong đó có cả từ sự “quá thuận lợi”. Cho nên, vấn đề quan trọng là người làm báo cần nhận diện rõ những thuận lợi và thách thức để chọn cho mình lối đi đúng nhất.

Thuận lợi chưa từng có

“Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện tác nghiệp, sự sống bị đe dọa hàng ngày, thiếu cả tình yêu thời tuổi trẻ”- đó những thiếu thốn, nguy hiểm mà những người làm báo thời chiến phải đối mặt.

Nhà báo kháng chiến chỉ trang bị “đồ nghề” đơn sơ như: nón tai bèo đội đầu, vải dù ngụy trang (vừa là khăn vừa là mền đắp), ba lô khoác vai. Súng ngắn, lựu đạn, đèn dầu giắt trên dây nịt như vật bất ly thân.

Nhà báo Đoàn Hải Nhân (bút danh Phù Sa)- nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- chia sẻ: Đi công tác một đợt rồi về tòa soạn nộp bài hoặc gửi theo hệ thống giao liên. Tùy theo chiến dịch mà đi một tuần hay cả tháng.

Khi đất nước thống nhất rồi đến nhiều năm sau đó, việc đi công tác viết bài gửi về tòa soạn vẫn là cả vấn đề.

“Hồi đó đi công tác bằng xe đò, bằng xuồng, lội bộ băng đồng hàng chục cây số. Đi công tác ở vùng sâu là ở lại nắm tư liệu mấy ngày. Về ngồi viết tay xong rồi mới nộp”- nhà báo Trinh Tuyền (Báo Vĩnh Long) nhắc lại giai đoạn làm báo thời bao cấp.

Nhà báo Trần Phước (Báo Vĩnh Long) thì nhắc lại thời điểm mới vào nghề hơn 15 năm trước: Cái thời công cụ làm báo còn khá “thô sơ” với máy ảnh chụp phim (chụp xong phải cắt phim, chờ tráng rọi ảnh, có khi… không có tấm ảnh nào coi được), thời còn viết bài thủ công trên giấy ngà (rồi mới chuyển bộ phận đánh máy, biên tập…), rồi dần có máy tính lưu file trên đĩa mềm, rồi USB…

Và đến nay, có thể thấy công nghệ thông tin nói chung và “công nghệ” làm báo đã có những bước tiến rất xa mà “dù thế hệ chúng tôi chưa phải là già, vẫn cảm thấy không thể tưởng tượng được sự phát triển đó”.

Ngày nay, người làm báo có nhiều phương tiện hiện đại để tác nghiệp từ “dưới đất” như máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm, máy vi tính, điện thoại thông minh… đến “trên trời” như flycam, giúp cho ra đời những hình ảnh bao quát từ trên cao hàng kilomet mà không cần leo trèo nguy hiểm như trước đây.

Nhờ vậy, rất thuận lợi trong tiếp cận rất nhiều thông tin đa dạng, nhiều chiều; trong việc phát hiện đề tài, khai thác thông tin dễ dàng, rút ngắn thời gian truyền tải thông tin và tương tác với độc giả nhanh chóng.

Như sự kiện khánh thành cầu Cao Lãnh tại Đồng Tháp vừa qua, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, gắn lên triple (tay cầm chống rung quay phim) là có thể livestream- đăng tải trực tiếp toàn bộ sự kiện. Ngay sau đó là hàng trăm ngàn lượt xem, thích, bình luận, chia sẻ…

Nhà báo Phương Nam- Trưởng Phòng Phóng viên Báo Vĩnh Long- cho rằng: Cơ sở vật chất đầy đủ, có trình độ cao, kiến thức tốt, được pháp luật bảo vệ, công nghệ hỗ trợ tối đa… nên người làm báo ngày nay quá thuận lợi so các thế hệ trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều thách thức, đòi hỏi nhà báo phải nỗ lực để vượt qua.

Thách thức từ nhiều phía

Trong thời đại công nghệ phát triển, thông tin kết nối toàn cầu, báo chí truyền thông có nhiều cơ hội để phát triển song cũng gặp không ít thách thức.

Ông Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- nhận định: Phải công nhận rằng từ khi có Internet, thế giới phẳng hơn, loài người trên khắp năm châu “xích lại” gần nhau hơn.

Chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính bảng có kết nối mạng, ở bất kỳ đâu người ta có thể đọc tin tức, xem video trực tiếp các trận đấu bóng đá vòng chung kết World Cup tại nước Nga hay rất nhiều, rất nhiều tin tức khác trong đời sống.

Qua các mạng xã hội toàn cầu, với chiếc máy điện thoại thông minh người ta có thể làm tin, đưa hình ảnh hoặc video quay được cho độc giả toàn cầu không cần qua các khâu, quy trình làm báo nào cả.

Nhưng người đưa tin tức đó bỏ qua chế tài của luật pháp, không bị ràng buộc, không chịu trách nhiệm về thông tin do mình sản xuất, công bố. Họ không có nghiệp vụ chuyên môn lẫn đạo đức làm báo nên thông tin đưa rất tự nhiên chủ nghĩa nhưng tính thời sự cao, nhanh, hấp dẫn đối với một bộ phận người đọc, người xem.

Từ đó, người đọc người xem- nhất là giới trẻ- tìm thông tin từ mạng xã hội và có xu hướng rời bỏ báo chí truyền thống. Đây đúng là một sự thách thức to lớn đối với báo chí chính thức. Đó là một thực tế.

Nhà báo Trinh Tuyền chia sẻ: Thông tin thời nay rất dễ “bùng nổ” nên tạo cho người làm báo một áp lực rất lớn, vừa phải chạy đua thời gian vừa phải linh động, tìm cách kiểm chứng để có nguồn tin chính xác nên đôi khi “quá sức”.

Nhà báo Bá Dũng- phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Vĩnh Long- tâm sự: Thời hiện đại, thông tin chỉ cần đưa trước vài giây thôi thì sẽ “chênh” nhau về lượt “view”, lượt “like”… nên có thể nói, công nghệ càng hiện đại thuận lợi nhưng cũng càng áp lực.

Cạnh tranh giữa các báo với nhau đã đành, cạnh tranh với mạng xã hội thì quả là không đáng. Bởi lẽ, mạng xã hội đáp ứng “tức thời” nhưng mặc tình hư cấu.

Và với một phóng viên thường trú như anh còn có “nặng gánh” truyền thông “đa phương tiện, đa lĩnh vực”. “Cùng lúc tác nghiệp cho 3 loại hình báo in, báo điện tử và truyền hình nên phương tiện tác nghiệp rất cồng kềnh và càng áp lực về mặt thời gian”- anh Bá Dũng nói.

Nhà báo Phương Nam nhận định: Cái khó của người làm báo ngày nay là làm sao vừa phải nhanh, kịp thời, chính xác, mang tính định hướng mà phải hay, hấp dẫn thì bạn đọc mới thích và tin tưởng. Trước một rừng thông tin như vậy, làm sao cho thông tin của mình có thể nổi bật lên?

Chỉ riêng việc lựa chọn thể loại để truyền tải thông tin đã khó rồi. Đó là cái khó “nội tại” mà người làm báo phải vượt qua. Còn cái khó “bên ngoài” thì bắt đầu từ những cái “quá thuận lợi” mà ra.

Trước đây, người ta hay đề cập đến nhà báo “salon” là người ít đi thực tế nhưng nhà báo “salon” ngày nay thậm chí không cần đi, chỉ cần lên mạng xem thông tin và gọi điện thoại rồi… viết. Không có trải nghiệm thực tế, không có cảm xúc… nên người làm báo cũng không có hoặc đánh mất bản sắc.

Đồng ý kiến này, nhà báo Trần Phước nói: “Theo tôi, thách thức lớn trong thời đại công nghệ của người làm báo chính là làm sao vừa tận dụng khai thác được nguồn tin, nhưng vẫn phải thể hiện được bản sắc riêng của mình. Nhà báo “săn” tin mà, phải đi nhiều, hiểu nhiều và viết những gì bạn đọc cần, chứ không chỉ viết những gì mình có.

Nhiều tin, bài chỉ cần một câu nói, một phát biểu mà cũng phải chạy hàng chục cây số gặp nhân vật để phỏng vấn, vì nhân vật cụ thể nói thì mới có sức thuyết phục lớn và nhà báo phải là người chuyển tải khéo léo quan điểm, ý kiến chủ quan của mình qua nhân vật.

Những tác phẩm báo chí mang đậm dấu ấn của nhà báo bằng lao động nhiệt tình, đam mê, thậm chí là “máu lửa” thì mới được bạn đọc chú ý và nhớ, để từ đó tin cậy, chờ đón tin, bài trên từng số báo phát hành cũng là thách thức lớn.

Một cái khó khác mà cánh nhà báo gọi là “những viên đạn bọc đường”- đó có thể là tiền hoặc lợi ích khác mà các đối tác đưa ra để “chiêu dụ”, nếu người làm báo cứ ngã nghiêng thì rất dễ bị lợi dụng, tha hóa, biến chất.

Do đó, để tránh “chết ngọt” từ những viên đạn này, cũng như để vượt qua những thách thức mang tính thời đại, để tồn tại và tỏa sáng với nghề, người làm báo hiện đại rất cần bản lĩnh vững vàng.

Đặt trên bình diện chung, Tổng Biên tập Phạm Hoàng Khải lưu ý, thách thức hiện nay là thách thức chung của báo chí thế giới chứ không riêng của báo chí Việt Nam. Do đó, cơ quan báo chí nói riêng và người làm báo hiện nay cần hết sức bình tĩnh tìm kiếm con đường, hướng đi thật phù hợp

Theo thống kê của Bộ Thông tin- Truyền thông, đến cuối năm 2017, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ, 849 cơ quan báo chí in, 664 tạp chí, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số 281 kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép, 195 cơ quan báo chí điện tử, 178 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép.

 

Nhà báo phải lao động nhiệt tình, dấn thân để tìm ra cái mới. Trong ảnh: Phóng viên Báo Vĩnh Long tác nghiệp tại hiện trường.
Nhà báo phải lao động nhiệt tình, dấn thân để tìm ra cái mới. Trong ảnh: Phóng viên Báo Vĩnh Long tác nghiệp tại hiện trường

Báo in trong thời hiện đại

 

Ông Đoàn Hải Nhân- nguyên Tổng biên tập Báo Vĩnh Long:

Báo in hiện gặp khó do cạnh tranh với các trang mạng và truyền hình. Tuy nhiên, cạnh tranh về “nhanh” chỉ là điều kiện “cần”, cạnh tranh về tính chính xác, đặt vô bình diện chung để phân tích, đánh giá, so sánh… mới là cần thiết và quyết định tính sống còn.

 

Bà Lê Thị Hai, 75 tuổi- bán báo ở góc đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1- TP Vĩnh Long

Tui bán báo ở đây 26 năm nay. So với vài năm trước đây, lượng báo bán ra hiện giảm mạnh, còn khoảng hơn 100 tờ báo các loại/ngày. Tuy nhiên, dự báo con số này ổn định trong thời gian tới bởi hầu hết khách mua là mối quen đọc báo ghiền, nhiều người đặt báo lâu hơn số năm tui bán báo.

 

Ông Hồ Văn Ơn (Phường 9- TP Vĩnh Long)

Đối với dân ghiền báo giấy thì không gì thay thế được cảm giác sáng sớm chạm tay vào tờ báo mới tinh, dán mắt vào những thông tin nóng hổi, háo hức với những trang mục thường kỳ mình yêu thích. Cả cái cảm giác đang đọc ở trang nào đó thì bị “ngắt” vì tiếp theo trang khác, phải lật tìm, cũng vô cùng hấp dẫn!

 

Thông tin trên báo giấy có cái hay là đáng tin cậy, dù có thể không mới nhất nhưng so với những thông tin trên báo mạng thì thường “có thêm một khúc” như những sự việc liên quan, phân tích, đánh giá. Hiện tui cũng theo dõi tin tức từ truyền hình, báo mạng, nhưng báo in vẫn không thể thiếu.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN