Phải có giải pháp đột phá với ngành công nghiệp không khói?

Cập nhật, 19:23, Thứ Năm, 17/11/2016 (GMT+7)

Ngày 17/11, tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ 2 vấn đề về sắp xếp bộ máy và phát triển du lịch.

Thứ nhất, để tinh gọn bộ máy, giảm bớt chi tiêu công thì xã hội hóa và tăng tự chủ, giảm bao cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đã được nhắc đến và triển khai thực hiện nhiều năm nhưng kết quả rất hạn chế, còn nhiều vướng mắc. Xin Thủ tướng cho biết sắp tới Chính phủ có giải pháp đột phá gì để thực hiện chủ trương này?

Câu hỏi thứ hai, liên quan đến một chủ trương lớn, đó là tiềm năng phát triển du lịch của đất nước ta rất lớn nhưng kết quả kinh tế từ du lịch lại rất thấp so với các nước trong khu vực.

Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều coi du lịch một ngành kinh tế mũi nhọn. Vừa qua đích thân Thủ tướng đã chủ trì hội nghị quốc gia về xúc tiến du lịch, vậy trong thời gian sắp tới đây, Thủ tướng có chỉ đạo, có giải pháp đột phá gì để phát triển ngành công nghiệp không khói này?

Trả lời đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Cả nước có trên 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, ở Trung ương là 600, ở địa phương là 4.400 và đặc biệt chỉ có 2,34% trong số này tự trang trải được kinh phí hoạt động.

Chúng ta biết đội ngũ công chức của chúng ta từ cấp huyện trở lên chỉ có trên 520.000 người. Còn số người viên chức trong đơn vị công lập trên 2,2 triệu, đây là mấu chốt của vấn đề, nếu muốn giảm biên chế, giảm chi phí tiền lương ngân sách chính là ở khâu này.

Cho nên chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ các đơn vị công lập là một chủ trương của Đảng, Nhà nước chúng ta, tuy vậy đây là vấn đề lớn, đụng chạm đến các yếu tố cụ thể trong xã hội, nhất là những đơn vị trực tiếp phục vụ đời sống của nhân dân.

Trong phiên họp thứ 5 của BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 5/2017 sẽ xem xét đề án của Chính phủ trình về chủ trương và biện pháp xã hội hóa các đơn vị công lập.

Theo đó, đơn vị nào cổ phần hóa đủ điều kiện, đơn vị nào nhà nước phải giữ 100% và tinh thần là phải tự trang trải như thế nào để từ đó giảm biên chế, giảm chi tiêu ngân sách mạnh mẽ hơn để có một đội ngũ trực tiếp trả lương từ ngân sách nhà nước ít hơn từ xã hội hóa đơn vị công lập.

Hướng chúng tôi muốn nêu là xã hội hóa mạnh mẽ những bước đi, lộ trình sau khi có đề án được BCH Trung ương thông qua, chúng tôi sẽ triển khai và báo cáo với Quốc hội.

Vấn đề tiềm năng du lịch, đúng là du lịch hiện nay là tiềm năng rất lớn của Việt Nam, chủ trương của Chính phủ đã báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị.

Trong các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đều nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta và nếu muốn là ngành kinh tế mũi nhọn thì đóng góp của du lịch phải từ 7-10% GDP.

Hiện nay chúng ta gọi là tiềm năng lớn, số lượng khách mặc dù tăng rất nhanh trong năm nay- trên 25% nhưng mới được 7,5 triệu khách, con số rất thấp so với các nước trong khu vực mặc dù chúng ta có bước tiến bộ rất lớn so với năm 2015.

Biện pháp nào để tăng kinh tế du lịch là kinh tế trọng điểm, là kinh tế mũi nhọn thì chúng tôi đã có một hội nghị toàn quốc để triển khai vấn đề này.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng một cộng đồng văn minh làm du lịch, có thể chúng ta còn nghèo điểm này, điểm khác, hạ tầng chúng ta còn kém nhưng cộng đồng sạch sẽ, văn minh, không có ăn xin, không có ăn mày, không có chèo kéo, níu khách… phải được ưu tiên.

Thứ hai, chúng ta phải xây dựng những thương hiệu du lịch lớn ở các vùng. Thứ ba, chúng ta có thể chế tốt trong đó có thể chế ưu tiên trong phát triển du lịch nhất là các vị trí thuận lợi để phát triển du lịch.

Đặc biệt, có những công tác xúc tiến, quảng bá, dành điều kiện cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển du lịch.

Hôm nay Chính phủ cũng đã trình Quốc hội một nghị quyết cần thí điểm visa điện tử cho khách du lịch v.v... Tôi nghĩ với những giải pháp đồng bộ như vậy, du lịch Việt Nam chắc chắn trong thời gian tới sẽ xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, chúng tôi cũng đặt vấn đề rất mạnh mẽ, nhân lực nguồn du lịch phải đáp ứng với yêu cầu cần thiết trong điều kiện khách quốc tế đa dạng như hiện nay.

TÂM- HUỲNH (ghi)