Không nên để người dân "tự bơi" trong cơ chế thị trường

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 03/11/2016 (GMT+7)

Ngày 2/11/2016, trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và phương hướng năm 2017, Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết.

Hiện vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn chưa có sức hút và cần phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Hiện vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn chưa có sức hút và cần phải chỉnh sửa cho phù hợp.

Nhiều chính sách chưa sát vào cuộc sống

Theo ông Lưu Thành Công, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và diễn biến phức tạp, trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nhưng nền kinh tế của ta vẫn phát triển khá ổn định, cử tri cả nước đánh giá rất cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông đề nghị một số vấn đề Chính phủ cần quan tâm và đánh giá làm rõ thêm.

Trước hết là việc đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đời sống của hơn 50% dân số cả nước.

Tại kỳ họp lần III của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao vấn đề này. Báo cáo giám sát của Quốc hội đã chỉ ra được nhiều ưu điểm cũng như những hạn chế của Chính phủ, nhưng từ đó đến nay đã hơn 4 năm rồi nhưng việc khắc phục những hạn chế mà báo cáo chỉ ra còn rất chậm.

Cụ thể, việc khống chế mức hạn điền trong Điều 129 và 130 của Luật Đất đai. Đây là rào cản lớn làm ảnh hưởng đến việc tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Khi xây dựng đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, Chính phủ và các ngành chức năng đã thấy vấn đề này nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến gì đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 129 này, trong khi đó người nông dân đang trông chờ từng ngày để tích tụ ruộng đất một cách hợp pháp, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao.

Chính phủ cũng hết sức quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân từ Quyết định 497 đến Quyết định 2213 về việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn mua thiết bị để hiện đại hóa nền nông nghiệp, nhưng chính sách này chưa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, tính thực tiễn chưa cao, nên nông dân không muốn tiếp cận nguồn vốn này.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn theo tinh thần Nghị định 61 của Chính phủ là một chủ trương đúng, kịp thời nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Chủ trương này mặc dù đúng và đã có từ nhiều năm nay nhưng số doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp còn rất ít.

Nông dân phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường

Một vấn đề nữa là nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thiếu, trong khi chúng ta cần vốn để tiến hành xây dựng nền nông nghiệp lớn, công nghệ cao.

Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp ngon, chất lượng cao. Nhưng việc định hướng xác định các sản phẩm chủ yếu cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường thì thời gian qua Chính phủ đã bỏ ngỏ, để người nông dân phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường, gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc trong sản xuất.

Đây cũng là nguyên nhân làm cho nông nghiệp chúng ta chậm phát triển, đời sống nông dân tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều hộ nông dân phải bỏ đất, rời làng đi tìm kế sinh nhai khác.

Công tác quy hoạch còn chậm, chưa sát thực tế, khiến nông dân lúng túng phải tự lo cho sản xuất để phục vụ cho cuộc sống của mình, nên giữa những nông dân đã xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình sản xuất.

Trong cùng một vùng, những hộ nông dân có điều kiện thì nuôi tôm, những người không có điều kiện thì trồng lúa.

Người nuôi tôm thì đưa nước mặn vào ruộng làm lúa chết, người trồng lúa thì sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu làm tôm chết; dẫn đến mâu thuẫn, xô xát lẫn nhau, làm thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng, trật tự an toàn xã hội, mất tình làng nghĩa xóm.

Mặt khác, những chính sách đầu tư của Chính phủ hiện nay còn dàn trải, chưa đồng bộ, chưa đi vào trọng tâm, chậm đi vào cuộc sống. Một số chính sách hỗ trợ theo đuôi các thiệt hại do thiên tai.

Chưa phân biệt rõ việc làm kinh tế trong đầu tư sản xuất nông nghiệp với thực hiện chính sách an sinh. Những chính sách khi đi vào cuộc sống thì nông dân hưởng lợi không nhiều.

Từ thực tiễn trên, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu khắc phục ngay những bất cập trong đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

Sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Bố trí nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu, hiện đại hóa nền nông nghiệp.

 

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, Chính phủ cần sửa đổi các cơ chế, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư hướng vào các ngành, các lĩnh vực có lợi thế, có khả năng phát triển như ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. 

Nghiên cứu các chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền đặc biệt là vùng trồng lúa và nuôi thủy sản ở ĐBSCL. Sớm hoàn thành công tác quy hoạch vùng, sản phẩm, các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về nông nghiệp, hình thành các thương hiệu và ổn định thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: TÂM- HUỲNH