Nghị quyết Trung ương 4 đã vào cuộc sống

Kỳ 2: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật, 15:03, Thứ Tư, 02/11/2016 (GMT+7)

Từ việc xác định “phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học kỹ thuật các cấp, đáp ứng cho nhu cầu phát triển” là một trong hai khâu đột phá, Vĩnh Long đã tập trung, dồn sức để công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh có bước phát triển quan trọng cả về quy mô, số lượng và chất lượng.

Tỉnh phối hợp đào tạo 3 lớp cao học Quản lý kinh tế, Xây dựng Đảng và Luật cho cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh.
Tỉnh phối hợp đào tạo 3 lớp cao học Quản lý kinh tế, Xây dựng Đảng và Luật cho cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh.

* Tập trung đào tạo

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành phố đã đẩy mạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đối với TP Vĩnh Long, công tác đào tạo được gắn với quy hoạch,tập trung đào tạo về chính trị, đồng thời chú trọng chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu về trình độ quản lý cho cán bộ xứng tầm “cấp thành phố”.

Ngoài việc đưa đi đào tạo “diện quy hoạch”, thành phố còn có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với chuyên ngành đào tạo, vị trí việc làm từ bên ngoài, khi về phục vụ cho thành phố nếu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II sẽ được hỗ trợ 30- 70% tiền nghiên cứu thực tế, chi phí làm luận văn tốt nghiệp.

Từ 2011- 2015, số lượng cán bộ, công chức được đào tạo về chuyên môn của thành phố rất cao, với gần 1.300 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 48 thạc sĩ, trên 200 đại học.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Huyện ủy Bình Tân phân công cụ thể các ủy viên ban thường vụ huyện ủy, ban chấp hành đảng bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và định kỳ hàng năm cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành kế hoạch để thực hiện.

Huyện cũng thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ được nhiệm và trong quy hoạch đi học tập, đào tạo từ ngân sách; đồng thời cũng khuyến khích xã hội hóa từ cán bộ công chức, viên chức tự học tập.

Hiện, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Mang Thít, nếu như trước năm 2010, tổng số cán bộ công chức cấp xã, cấp huyện có trình độ chuyên môn và chính trị phần lớn là trung cấp, thì hiện nay tỷ lệ công chức cấp xã có chuyên môn về cao đẳng trở lên đạt trên 91%; trung cấp và cao cấp chính trị đạt gần 89%.

Riêng đối với cán bộ, công chức cấp huyện đều có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, đặc biệt có 14 thạc sĩ.

Huyện Long Hồ cũng cố gắng hết mình thực hiện tốt công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cả về chính trị đối với cán bộ, đảng viên nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Huyện ủy đã quyết định 651 lượt cán bộ, đảng viên đào tạo  về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ đó, góp phần “nâng chất” cho cán bộ địa phương, với 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ đại học, trên đại học về chuyên môn và chính trị.

Theo Bí thư huyện ủy Long Hồ Hồ Văn Minh, “việc đào tạo cán bộ phải theo quy hoạch và đúng địa chỉ. Ngoài đào tạo chuyên môn, cũng phải quan tâm cả về trình độ chính trị. Sau đào tạo xem xét bố trí đúng chuyên môn, phù hợp năng lực”.

“Huyện cũng đã thống kê, có hướnganh em nào không đủ bằng cấp yêu cầu trong thời gian nhất định đi học, bổ sung, bố trí công việc phù hợp nhằm tạo nguồn cán bộ sau này.

Tất cả phải có lộ trình cụ thể. Cá nhân phải cam kết thời gian hoàn thành”- Đồng chí bí thư khẳng định.

* Những kết quả phấn khởi

Lớp Cao cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung với 56 học viên là cán bộ quy hoạch thuộc các cơ quan từ cấp  tỉnh đến huyện, xã và các ban, ngành của tỉnh.
Lớp Cao cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung với 56 học viên là cán bộ quy hoạch thuộc các cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện, xã và các ban, ngành của tỉnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh đã đào tạo được một đội ngũ nhân lực dồi dào.

Đặc biệt, từ khi có Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy, phong trào học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được phát triển rộng khắp không chỉ có ở cấp tỉnh, các sở, ban ngành mà còn cả ở cấp huyện, xã.

Theo Bí thư Thị ủy Bình Minh Nguyễn Hiếu Nghĩa, khi thực hiện chương trình này, có một quyết tâm chính trị rất cao của hệ thống chính trị, từ đó các cấp, các ngành đã triển khai đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức.  

Một trong những điểm nhấn của chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đó là việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị.

Trong 360,74 tỷ đồng thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 thì kinh phí nguồn nhân lực của hệ thống chính trị 24,95 tỷ đồng.

Bằng sự đầu tư này, tỉnh đã đào tạo về chính trị 4.286 người, nếu so nhiệm kỳ trước tăng gấp 3 lần. Về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo cao đẳng, đại học cho 2.383 người, so nhiệm kỳ trước tăng gấp 7 lần.

Đặc biệt, đào tạo sau đại học trên 1.000 người, tăng rất cao so nhiệm kỳ trước, hay như bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 33.000 lượt công chức, viên chức, tăng gấp 10 lần so nhiệm kỳ trước.

Riêng Đề án Vĩnh Long 100, Tỉnh ủy cho kéo dài đến năm 2020, hiện đã có 43 người về nước và đang phát huy trong công việc.

Tính đến này, có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó trưởng ngành tỉnh, huyện, thành phố và tương đương có trình độ đại học, sau đại học về chuyên môn; trong đó, trình độ thạc sĩ trở lên đạt trên 20%; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, trưởng ngành huyện, thị, thành phố và tương đương có trình độ cao cấp chính trị.

Có thể khẳng định, việc đào tạo đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh, bước đầu phát huy được tác dụng trong từng lĩnh vực, đáp ứng được những đòi hỏi trong công tác lãnh đạo, quản lý của các sở ngành cũng như địa phương.

Hơn thế nữa, đã khắc phục được những hạn chế yếu kém về công tác cán bộ và mở ra triển vọng mới trong chiến lược cán bộ của tỉnh.

Một điều quan trọng là ý thức cán bộ nâng lên rõ rệt, thể hiện ở tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ tổ chức và nhân dân tốt hơn, tạo ra năng suất, hiệu quả trong công việc và có sự đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: THANH TÂM- DUY UYÊN