Cần có quy định với quy hoạch treo và quy hoạch sai thì thu hồi quy hoạch như thế nào?

Cập nhật, 19:28, Thứ Hai, 21/11/2016 (GMT+7)

Ngày 21/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã đóng góp nhiều vấn đề quan trọng cho dự án luật này.  

Tôi nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết phải ban hành luật này. Tuy nhiên, có một thực tế do chúng ta chưa có quy hoạch theo đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở.

Tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức lập 12.860 quy hoạch mà không có sự thống nhất, tích hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau nên người dân thì nói lạm phát quy hoạch nhưng ở nhiều nơi dân vẫn phải khổ vì sống trong quy hoạch treo.  

Và để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin đóng góp một số ý kiến, chủ yếu mang tính chất chung.

Trong phần hệ thống quy hoạch ở Điều 12, có nêu nội dung, đó là hệ thống quy hoạch được quy định trong luật này bao gồm đến cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, tại Điều 20 quy định chung về nội dung quy hoạch lại không đề cập nội dung quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Việc thể hiện như vậy là vừa thừa, vừa thiếu và vừa không thống nhất.

Luật quy hoạch là luật khung về hoạt động quy hoạch, điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nhưng nội dung dự thảo luật lại không đề cập đến hai loại quy hoạch này.

Do đó, đề nghị dự thảo luật cần quy định về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để làm cơ sở phân biệt và xác định rõ nội dung của từng loại quy hoạch.

Về phản biện trong việc lập quy hoạch, theo đó mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định đều lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau.

Ở đây tôi nhấn mạnh đến ý kiến tham vấn, nếu cả 2 cơ quan đều tham vấn ý kiến như vậy thì có quá nhiều không và có khả thi không trong khi dự thảo luật đã quy định là mọi ý kiến góp ý đều phải công khai.

Về bố cục dự thảo luật, Chương V quy định 2 nội dung: Một là, thực hiện quy hoạch bao gồm công bố quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch, giám sát hoạt động quy hoạch, đánh giá thực hiện quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, cơ chế chính sách và chuẩn bị nguồn lực.

Hai là, quản lý nhà nước về quy hoạch bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương kiểm tra, thanh tra hoạt động quy hoạch và xử lý quy hoạch.

Do hai nội dung này quy định trong cùng một chương nên có tình trạng điều trước quy định về quản lý nhà nước, điều sau quy định về tổ chức thực hiện quy hoạch nên có sự lộn xộn. Tôi đề nghị tách làm hai chương riêng, một chương về thực hiện quy hoạch, một chương quy định về quản lý nhà nước.

Điều 12, Khoản 4 quy định hệ thống quy hoạch gồm cấp huyện, cấp xã. Tôi cũng đề nghị tách làm hai cấp là cấp huyện và cấp xã vì đây là 2 cấp hành chính khác nhau, tính chất, đặc điểm khác nhau và hoạt động quy hoạch cũng khác nhau.

Bởi theo dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì nhà nước chỉ bồi thường với hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Hoạt động thi hành án hình sự, dân sự không quy định bồi thường trong trường hợp quy hoạch treo, quy hoạch sai.

Vì vậy đối với vấn đề quy hoạch treo, quy hoạch sai thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và người chịu thiệt hại sẽ được bồi thường như thế nào và nguồn bồi thường lấy từ đâu chưa thể hiện trong dự thảo luật. Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định nội dung này. Ngoài ra cần có quy định với quy hoạch treo và quy hoạch sai thì thu hồi quy hoạch như thế nào.

Một vấn đề nữa là đối với quy hoạch ngành quốc gia, thực tế cho thấy thời gian qua thực hiện không hiệu quả do nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện mà không có sự phân nhiệm minh bạch, rạch ròi.

Ví dụ như quy hoạch ngành thép thì có 6 bộ cùng tham gia, thiếu minh bạch và không công khai đúng nghĩa nên các bên liên quan gặp khó khăn khi thực hiện. Cho nên, tôi đề nghị cần nghiên cứu, thể hiện nội dung này trong dự thảo luật.   

TÂM- HUỲNH (ghi)