Việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm phải được tiến hành độc lập

Cập nhật, 17:00, Thứ Hai, 24/10/2016 (GMT+7)

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Tại phiên thảo luận, vấn đề đa số đại biểu quan tâm là việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án luật vì quy định xử lý nợ xấu tại dự án luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt.

Theo đó, đại biểu đề nghị đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm, chỉ nên quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan của vấn đề, đề nghị việc đấu giá không do VAMC tự tiến hành mà phải được tiến hành một cách độc lập.

Ngoài ra, để hoạt động đấu giá hiệu quả, bảo đảm tính khách quan, an toàn, đại biểu kiến nghị ngoài đấu giá viên, một phiên đấu giá cần có sự tham gia của nhiều đối tượng khác như thư ký, chuyên viên.

Quy định như thế nhằm ngăn chặn tình trạng thông đồng hay “quân xanh, quân đỏ”- là tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong quá trình quản lý đấu giá bán tài sản.

Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, hành vi cấm đối với đấu giá viên; xem xét mở rộng đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề cho đấu giá viên là những người có bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng; quy định cụ thể thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định chặt chẽ, rõ ràng các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá…

TÂM- HUỲNH