Không nên hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2017

Cập nhật, 19:06, Chủ Nhật, 23/10/2016 (GMT+7)

Không hạ chỉ tiêu tăng trưởng, cần đầu tư nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn… là những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tại phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020.

* Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén của Chính phủ thời gian qua đã giúp nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phục hồi và phát triển.

Đối với những hạn chế về những chỉ tiêu không đạt, cụ thể là chỉ tiêu xuất khẩu, theo tôi cần phải kiểm điểm lại việc xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng.

Trong năm 2017, tôi xin đề xuất một số vấn đề, đối với chỉ tiêu tăng trưởng GDP, đề nghị nên giữ nguyên tốc độ tăng trưởng là 6,7% và không nên hạ chỉ tiêu này xuống, theo đó chúng ta sẽ quyết tâm làm hết mình.

Đối với chỉ tiêu xuất khẩu, đề nghị tranh thủ với các nước, thị trường Asean để tạo sự chuyển động mạnh hơn. Ngoài ra, cần quan tâm đến doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập sâu rộng trong điều kiện nhiện nay.

Về chỉ tiêu giảm nghèo, theo tôi để giảm nghèo bền vững cần có một chiến lược, trong đó quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm mới. Song song đó, cần có những giải pháp đối phó, hỗ trợ những tác động gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thiên tai, vấn đề phân bón giả, giống cây trồng vật nuôi…

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa là cần tiếp tục thực hiện nghị quyết của Trung ương về vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm và tự soi rọi lại bản thân mình.

* Đại biểu Lưu Thành Công:

Tôi quan tâm đến những bất cập mà hiện nay người dân gặp phải trong chủ trương đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ.

Thứ nhất là quy định về khống chế mức hạn điền theo điều 70 của Luật Đất đai là chưa phù hợp. Chúng ta khuyến khích nông dân sản xuất lớn nhưng lại quy định không cho tích tụ ruộng đất thì rất khó để thực hiện.

Thứ hai, Chính phủ ban hành nhiều quyết định hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp nhưng người dân hiện nay chưa tiếp cận được vốn và thủ tục còn rất phiền hà gây khó khăn cho người dân. Chính phủ cũng có nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông thôn nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn cũng như những chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, hiện Chính phủ cũng chưa có giải pháp định hướng cho người dân trồng con gì, nuôi con gì và tình trạng “trúng mùa, rớt giá” vẫn còn tái diễn.

Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cần và chưa thỏa đáng, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trãi, thiếu đồng bộ; Chính phủ chưa có quy hoạch vùng, hiện nay tình trạng xung đột trong sản xuất đang diễn ra…

Từ những thực tế trên, đề nghị trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ cần đưa vào kế hoạch để ưu tiên đầu tư một số ngành thuộc lĩnh vực như chế biến nông nghiệp, thủy sản cũng như ưu tiên đầu tư cho vùng trồng lúa và thủy sản, đặc biệt là vùng ĐBSCL.

TÂM- HUỲNH