Cần quan tâm đến hiệu quả, hiệu lực trực tiếp của các dự án luật

Cập nhật, 15:48, Thứ Tư, 27/07/2016 (GMT+7)

Khi thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, việc xây dựng các dự án luật phải đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và quan tâm đến hiệu quả, hiệu lực trực tiếp của các dự án luật.

ĐB đề nghị mỗi năm chỉ làm từ 10- 15 dự án luật là phù hợp.
ĐB đề nghị mỗi năm chỉ làm từ 10- 15 dự án luật là phù hợp.

Theo nhiều đại biểu (ĐB), chúng ta đang rất cần có tư duy mới và linh hoạt cả trong chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật ở Quốc hội vì chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập với tốc độ chóng mặt.

Nhiều ĐB kỳ vọng, trên tinh thần xây dựng một Chính phủ kiến tạo với chức năng trung tâm là xây dựng thể chế cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, Chính phủ khóa XIV sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế vì đất nước.

Theo nhiều ĐB, trong quá trình xây dựng luật cần quan tâm đến hiệu quả, hiệu lực trực tiếp của các dự án luật.

ĐB Lê Anh Tuấn (đơn vị tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, cần bảo đảm hiệu lực trực tiếp của các quy phạm trong các đạo luật, nên hạn chế ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.

Muốn vậy, luật phải được soạn thảo, ban hành chi tiết, đồng bộ các giải pháp pháp lý, các chính sách pháp luật trong các đạo luật có thể thực hiện được ngay theo hướng lập pháp trọn gói, đi đến tận cùng vấn đề.

Cũng theo ĐB Lê Anh Tuấn, trường hợp phải giao hướng dẫn thì cần có tiêu chí cụ thể và chỉ giao khi vấn đề đó chưa có tính ổn định cao, thường xuyên thay đổi hoặc các vấn đề có tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và việc triển khai thi hành, tổ chức thực hiện các luật đã được ban hành.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đơn vị TP Đà Nẵng) cho rằng, Quốc hội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hơn việc thực hiện nghị quyết của mình.

Trường hợp dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng thì kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra.

Đồng thời, sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, Quốc hội phải có cơ chế bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyết nghị trong nghị quyết của mình.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Bùi Văn Xuyền (đơn vị tỉnh Thái Bình) đề nghị trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm định.

Khi xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng nội dung chính sách, cần đánh giá tác động của chính sách, dự kiến nguồn lực và điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua.  

Theo một số ĐB, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ vẫn là cơ quan có nhiều sáng kiến lập pháp, hầu hết các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội đều do cơ quan Chính phủ soạn thảo. Do đó, muốn bảo đảm chất lượng và tiến độ thì trước hết phải tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Tư pháp ngay từ khâu xây dựng chương trình.

Yêu cầu khi làm luật là phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả tránh những sai sót, vì thế mỗi năm chỉ cần làm 10 đến 15 đạo luật, kể cả luật mới và luật sửa đổi bổ sung là phù hợp.

Nếu đưa vào quá nhiều, quỹ thời gian không có, vì còn đưa ra Quốc hội thảo luận, xin ý kiến tiếp thu, chỉnh lý đến lúc hoàn chỉnh, ban hành, rồi cần phải có đủ nguồn lực… thì mới khắc phục được những hạn chế, sai sót trong thời gian vừa qua.

ĐB cũng đề nghị Chính phủ nên đưa kết quả xây dựng pháp luật là một trong những căn cứ cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân, người đứng đầu cơ quan đã được giao chuẩn bị soạn thảo.  

Bài, ảnh: THANH TÂM