Khi nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Cập nhật, 09:03, Thứ Ba, 21/06/2016 (GMT+7)

Trường hợp nào thì người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)? Và khi chấm dứt HĐLĐ thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm như thế nào đối với người lao động?

Lê Văn Quân (Mang Thít)

Trả lời: Điều 38 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;

Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; người lao động không có mặt tại nơi làm việc theo thời hạn quy định tại Điều 33 của bộ luật này.

Đồng thời luật cũng quy định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này và đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi chấm dứt HĐLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

PHÒNG BẠN ĐỌC