Về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

Cập nhật, 15:03, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)

Bạn nguoiduatinvlg@gmail.com thắc mắc: Tôi tốt nghiệp CĐ và đi dạy cách nay hơn 20 năm.

Sau khi tôi học xong ĐH năm 2012, đến tháng 2/2012, tôi nộp bằng tốt nghiệp để nâng ngạch lương, nhưng đến giờ vẫn chưa được nâng, trong khi tất cả các bạn học cùng lớp ĐH ở huyện khác đều được nâng lên ngạch ĐH.

Theo tôi được biết, hiện nay có quy định là muốn nâng ngạch thì phải có bằng A2, A3 Anh văn chuẩn Châu Âu và một số điều kiện khác, nhưng về thi cử thì chưa có văn bản và nếu có thì làm sao với người lớn tuổi như tôi lại đi học Anh văn và điều kiện khác nữa. Vậy Phòng GD- ĐT giải quyết như thế nào đối với những trường hợp này?

Sau khi nhận được thư bạn, chúng tôi đã liên hệ với Phòng GD- ĐT huyện Long Hồ và được ông Trần Thanh Hiếu- Phó phòng trả lời như sau:

Hiện nay Phòng GD- ĐT huyện Long Hồ đã nhận khoảng 300 hồ sơ đề nghị được chuyển chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (nâng ngạch) nhưng phải chờ có quy định, vì từ ngày 12/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Cụ thể theo Điều 29, 30 nghị định này thì việc thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức được thực hiện như sau: Khi chuyển từ chức danh nghề nghiệp sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng phải thực hiện thông qua việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp; khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng II lên hạng I được thực hiện như sau:

Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tổ chức thi hoặc xét theo kế hoạch được phê duyệt; Bộ Nội vụ phê duyệt đề án tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; thẩm định và quyết định danh sách viên chức đủ điều kiện dự thi hoặc xét tuyển; ra quyết định thành lập hội đồng; quyết định công nhận kết quả và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng I.

Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng III lên hạng II được thực hiện như sau:

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp; thẩm định danh sách viên chức đủ điều kiện dự thi hoặc xét và thẩm định kết quả thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoặc phân cấp cho các cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định việc phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội theo quy định của pháp luật.

Được biết, căn cứ các quy định trên Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long cũng đã làm đề án tổ chức thi thăng hạng cho các viên chức của tỉnh đã gửi Bộ Nội vụ nhưng chưa được Bộ Nội vụ phê duyệt. Như vậy, tình hình chung hiện nay về việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải chờ Bộ Nội vụ phê duyệt.

PHÒNG BẠN ĐỌC