Nỗi lo "mâu thuẫn nhỏ- án mạng to"

Cập nhật, 16:15, Thứ Năm, 29/10/2020 (GMT+7)

Tuần qua, khi đọc báo Vĩnh Long, tôi thấy có đưa tin về một vụ án giết người mà nguyên nhân chỉ vì… “chỗ đậu xe chờ phà”. Một người lên phà cự cãi với một người đang đậu xe chờ phà vì vị trí đậu xe của anh ta.

Thấy vậy, bạn đi chung với người lên phà đến hỏi chuyện rồi dùng nón bảo hiểm đánh người đợi phà. Người lên phà chẳng những không can ngăn mà cùng tham gia đánh người đợi phà. “Không chịu thua”, người đợi phà chạy xuống phà lấy một đoạn gỗ chạy lên đánh lại dẫn đến hậu quả người lên phà tử vong.

Không riêng gì vụ án này mà thời gian gần đây, tôi thấy báo- đài liên tiếp đưa tin về những vụ án mạng mà nguyên nhân chỉ xuất phát từ những điều vô cùng… nhỏ nhặt.

Vì một điếu thuốc, một ly rượu hay chỉ vì một ánh nhìn “không thiện cảm”,… mà có những người đã nhẫn tâm ra tay cướp đi mạng sống của người khác. Tuy cơ quan công an đã kịp thời truy bắt kẻ gây án để xử lý theo pháp luật, nhưng những vụ giết người như thế này khiến ai cũng phải lo ngại.

Có thể thấy, ngoài tính chất côn đồ của những kẻ gây án thì điều đáng báo động là cách cư xử giữa người với người trong xã hội hiện nay. Đó là, nhiều người lựa chọn biện pháp bạo lực để giải quyết vấn đề. Có không ít vụ án hoàn toàn có thể giải quyết được nếu như những người trong cuộc có cách cư xử ôn hòa.

Có những vụ việc sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng nếu như có người không “giận quá mất khôn”… Đành rằng, “thủ phạm” gây nên những vụ án như thế này đa phần không hề suy tính hay có chủ ý từ trước nhưng hậu quả thì vẫn là hậu quả.

Và, tội “Giết người” thì phải bị trừng trị theo pháp luật. Ăn năn, hối lỗi không thể làm “sống lại” một con người. Nước mắt, sự thứ tha không thể xóa nhòa đi một bản án. Và, đó sẽ mãi là vết cứa vào lương tâm cho những ai đã chọn và muốn chọn cho mình phương cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

Một vụ án mạng xảy ra sẽ để lại những hệ lụy đau lòng không chỉ đối với bản thân, gia đình của nạn nhân mà còn đối với cả hung thủ. Vợ mất chồng, con mất cha, gia đình mất đi con cái, suy sụp, đổ vỡ,… Đây là điều mà mỗi người cần nghĩ đến khi giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống. Đừng vì một phút nông nổi mà hủy hoại bản thân, gieo đau thương, mất mát cho chính những người thương yêu của mình và người khác.

Trong cuộc sống, chúng ta nên có cách hành xử “nhẹ nhàng”. Khi xảy ra mâu thuẫn, cần bình tĩnh giải quyết trên tinh thần hòa giải, tuyệt đối không dùng vũ lực để “áp đảo” vấn đề. Để làm được điều này, yếu tố quan trọng nhất là chúng ta phải ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, rất cần các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử văn hóa, nhường nhịn nhau trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Đồng thời, mong rằng chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở quan tâm, giải quyết kịp thời, dứt điểm những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần phòng ngừa các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

TRƯỜNG AN