Đường dây nóng cho vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương

Cập nhật, 08:18, Thứ Tư, 30/12/2015 (GMT+7)

Theo các nguồn tin báo chí, hôm 8/12, tại hội thảo phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra các con số đáng báo động: Từ năm 2000 đến 2010, các bệnh ung thư tăng ở tỷ lệ rất cao.

Nếu năm 2000 có 68.000 ca bệnh thì đến năm 2010 con số này lên đến 126.000 ca và dự báo 5 năm tiếp theo đó có thể sẽ vượt lên 200.000 ca.

Đáng chú ý, trong các con số đó thì các bệnh ung thư có thể đến từ đường miệng không phải nhỏ: Năm 2010, có 15.112 ca ung thư dạ dày và thấp hơn một chút là ung thư đại trực tràng với 13.232 ca, tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ vướng 2 căn bệnh này không quá xa, nhưng ngày một trẻ hóa.

Chúng ta đều biết các bệnh ung thư trên con người xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng rõ ràng với các con số vừa nêu cho thấy: chúng ta tiếp xúc với các tác nhân gây hại ngày một nhiều và sớm hơn trong đời sống từng người.

Có lẽ vì vậy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không phải tự nhiên trở thành vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội và HĐND các tỉnh trong các ngày cuối năm này. Đó là việc thực phẩm bẩn tràn lan có từ khâu sản xuất đến lưu thông: người sản xuất vì lợi ích riêng tư dùng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định.

Cùng mục đích đó, tư thương, người làm công việc vận tải tiếp tay đưa ra thị trường. Đó là việc các cơ quan chức năng thuộc nhiều ngành liên quan vì nhiều lý do chưa làm hết trách nhiệm, các biện pháp giáo dục và ngăn chặn chưa đầy đủ, kém hiệu quả...

Nói thế nhưng không có nghĩa là các địa phương, ngành có chức năng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm không có những cố gắng, đơn cử như Bộ Nông nghiệp- PTNT xây dựng và cổ xúy những mô hình trồng trọt và chăn nuôi đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, cũng như công bố đường dây nóng (08042526 và 09178011) và email (thongtinvipham@mard.gov.vn) để người dân tố giác các cơ sở, đơn vị, cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ này cũng treo giải thưởng từ 1- 50 triệu đồng và đã thực hiện thưởng cho người tố giác tùy theo tính chất và mức độ của các vi phạm.

Thực tế việc phòng chống các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua cho thấy việc xây và chống trong vấn đề này cần có sự kết hợp của nhiều ngành và quyết tâm của chính quyền địa phương. Đó là việc: bên cạnh tạo điều kiện dễ dàng cho người trồng và người nuôi sản xuất ra các sản phẩm sạch còn cần giúp đỡ cho họ tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý.

Nỗ lực của một số địa phương trong xây dựng các cơ sở và vùng sản xuất thực phẩm sạch cũng cho thấy, đầu ra và giá cả hợp lý đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành bại của chúng. Với mục đích này, TP Hồ Chí Minh đang thí điểm xây dựng chuỗi hệ thống sản xuất các thực phẩm sạch khép kín từ vùng và cơ sở sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đến các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại các chợ đồng loạt bán các loại rau củ và thịt sạch đã được kiểm chứng cho người dân.

Bên cạnh đó, qua hệ thống thông tin đại chúng, vận động mọi người tiêu dùng chịu mua các thực phẩm sạch với giá cả hợp lý hơn là vì nhiều lý do chấp nhận mua thực phẩm kém an toàn để rồi có thể rước bệnh vào gia đình mình. Song song đó, phía sản xuất cũng phải nỗ lực hạ giá thành sản phẩm để có thể thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ.

Các biện pháp trừng phạt nghiêm những người cố tình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là cần thiết, rất cần các số điện thoại nóng và các khoản thưởng (thưởng kín nếu có yêu cầu của người nhận thưởng vì sợ trả thù) cụ thể tại địa phương để khuyến khích mọi người dân tham gia.

Ai cũng biết vì mục đích lợi nhuận, phía sản xuất và tư thương thiếu lương tâm với trăm phương ngàn kế đưa thực phẩm bẩn đến người tiêu dùng mà họ đang không đủ khả năng phân biệt thực phẩm sạch hay bẩn, kể cả nhiều địa phương thiếu nơi bảo đảm bán thực phẩm sạch.

Cho nên, việc phạt nặng những hành động sai trái trong vấn đề này, thậm chí xử lý hình sự với người cố tình vi phạm nhiều lần, cũng là một trong các cách khiến họ chùn tay.

Phan Như Trang