Tản văn

Canh khổ qua đậm đà tình quê

Cập nhật, 14:19, Chủ Nhật, 05/05/2024 (GMT+7)

 

Canh khổ qua có tác dụng thanh mát, giải nhiệt trong ngày hè oi ả.
Canh khổ qua có tác dụng thanh mát, giải nhiệt trong ngày hè oi ả.

Tiếng ve reo vang trên những tán cây rộng lớn, những bông hoa nở rộ trong sắc vàng óng ả báo hiệu một mùa hè nữa lại về. Khác với mọi năm, năm nay mới đầu hè mà nhiệt độ ngoài trời luôn duy trì ở mức cao, không khí cũng trở nên nóng bức, ngột ngạt. Vì thế, quê hương thân thương là điểm đến lý tưởng để tránh nóng trong những ngày hè oi bức.

Mỗi chuyến về quê đều mang lại cho chúng ta không chỉ là cảm giác bình yên, mà còn là cơ hội để thưởng thức những món ăn dân dã, giản dị nhưng đậm đà tình quê.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhưng thời tiết khá nóng, nhiều gia đình chọn cách đi du lịch tắm biển hoặc đến những địa điểm có nhiều cây xanh để tránh nóng như: biển Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, gần hơn có Khu di tích Xẻo Quýt (tỉnh Đồng Tháp) hay Thảo Cầm Viên (TP Hồ Chí Minh)...

Riêng gia đình tôi quyết định trở về quê ở xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ) để cảm nhận lại hương vị trong lành mát mẻ của miền quê, vừa tránh được cái nóng hầm hập nơi đô thị, lại vừa được tụ hội với gia đình sau những tháng làm việc căng thẳng.

Má tôi thấy chúng tôi về giữa trời nắng nóng thì có vẻ xót dạ: “Sao các con không đợi trời mát hãy về cho đỡ mệt”. Tôi còn chưa kịp trả lời, thì bà đã vội chạy vào nhà lấy nước mát cho chúng tôi uống giải khát. Uống xong ly nước, cất dọn đồ đạc vào phòng, má tôi vồn vã hỏi: “Các con ăn uống gì chưa, má nấu cơm với canh khổ qua cả nhà cùng ăn nhé!”. Vừa dứt lời, má tôi liền ra chợ quê gần nhà mua một ít khổ qua với cá thác lác cùng mớ tép bạc về nấu bữa cơm trưa.

Trong khi má tôi đi chợ, vợ tôi tranh thủ vo gạo, thổi lửa nấu cơm. Vợ tôi vừa chắt nước cơm xong, cũng là lúc má tôi đi chợ về tới nhà. Tôi liền lấy mấy trái khổ qua mang đi cắt bỏ phần đầu và làm sạch ruột, sau đó rửa sạch và úp từng trái trên mặt rổ cho ráo nước.

Thời gian này, má tôi lấy thịt cá thác lác ướp với ít gia vị như: đường, muối, bột ngọt, hạt nêm, tiêu xay và hành lá xắt nhỏ. Tiếp đến, má tôi sử dụng muỗng canh quết đều thịt cá, vừa quết bà vừa truyền kinh nghiệm: “Cá thác lác sau khi tẩm ướp gia vị phải được quết cho thật đều, điểm đặc biệt của cá thác lác là quết càng đều, càng lâu thì thịt cá sẽ càng dai”. Sau khi cá được quết xong, má và vợ tôi cùng nhau dồn cá vào trái khổ qua, đến khi trái khổ qua đã đầy ruột, má nhúng phần mặt cắt của trái khổ qua vào chén nước mắm để khi nấu thịt cá không trồi ra ngoài.

Khổ qua vừa dồn cá xong thì nồi nước trên bếp cũng trở nên sôi sùng sục, má quay qua cho từng trái khổ qua vào nồi nước.

Chờ đến khi nước sôi lần thứ hai, trái khổ qua gần chín tới, má tôi nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn và cho thêm ít hành lá, ngò rí được xắt nhỏ để nồi canh khổ qua càng thêm đậm đà hương vị. Song song với nấu canh khổ qua, vợ tôi cũng tranh thủ mần mớ tép bạc được má mua hồi sáng, chế biến thành món tép ram với tóp mỡ để ăn chung với canh khổ qua.

Những món ăn lần lượt được bày biện lên bàn, cả nhà tôi cùng xúm xít bên bàn ăn. Không đợi được nữa, tôi liền gắp một khoanh khổ qua còn bốc khói nghi ngút, chấm với chút nước mắm trong và đưa vào miệng, vị đắng của khổ qua kết hợp với vị mặn nhẹ của nước mắm, độ dai giòn sần sật của cá thác lác và sau đó là sự cay nồng từ ớt, những hương vị này hòa quyện vào nhau, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực hết sức độc đáo; đặc biệt hơn, khi kết hợp ăn với cơm trắng, hương vị của canh khổ qua càng trở nên thêm phong phú và ngon miệng hơn bao giờ hết.

Nhìn từng miếng khổ qua mềm mại, thấm đượm trong nước dùng thanh mát, lòng tôi như trở về với những kỷ niệm tuổi thơ, những ngày hè tràn đầy tiếng cười vui đùa cùng gia đình. Mỗi ngụm canh khổ qua là một hơi thở của quê hương, là một phần ký ức đẹp đẽ được gói gọn trong lòng của những đứa con xa quê như chúng tôi.

Khổ qua không chỉ là một loại rau trái quen thuộc trong dân gian, mà trong trái khổ qua còn chứa vị thuốc quý giúp thanh nhiệt cơ thể, giảm nhiệt và tạo cảm giác dễ chịu trong những ngày hè nóng nực. Vị đắng nhẹ của khổ qua hòa quyện cùng vị ngọt tự nhiên của cá thác lác tạo nên một hương vị độc đáo mà chỉ ở những bữa cơm quê mới có.

Mỗi người dân Việt Nam khi về quê đều có thể cảm nhận được sự ấm áp, tình thân thương và hương vị đặc trưng của quê hương trong từng bữa cơm gia đình. Và mỗi món canh khổ qua không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh “ẩm thực” đẹp đẽ của cuộc sống quê hương chúng ta.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT