Sáng mãi tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỳ 2: Trên đồi Khau Cả- tự hào tinh thần Tô Hiệu

Cập nhật, 19:02, Thứ Tư, 08/05/2024 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(VLO) Trên cung đường từ Tây Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã vào thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đặt tay lên những mảng tường, những cánh cửa hoen rỉ theo thời gian, như được chạm vào quá khứ đau thương nhưng rất đỗi tự hào. 

Nhiều người không khỏi xúc động khi về thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Nhiều người không khỏi xúc động khi về thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

“Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 trên đồi Khau Cả (Tổ 9, phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), với diện tích ban đầu là 500 m2 để giam cầm tù thường phạm.

Tuy nhiên, đến năm 1930, với mục tiêu dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, thực dân Pháp nhiều lần xây dựng và mở rộng nhà tù lên hơn 2.000m2. Đặc biệt, trong nhà tù, thực dân Pháp còn cho xây dựng một dãy xà lim nằm sâu dưới lòng đất 3m, được che giấu bởi khu nhà bếp ở trên.

Theo lịch sử ghi chép, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc với cái nóng như đổ lửa vào mùa hè cùng những đợt sương muối giá rét vào mùa đông khiến nhiều loại bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng. Và nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”.

Từ năm 1930 đến 1945, chúng đã đày lên Sơn La 14 đoàn tù chính trị, với hơn 1.000 lượt tù nhân, hàng trăm chiến sĩ cộng sản và tù nhân bị giết, hoặc chết vì bệnh tật, gửi xác nơi đây. 

Không thể để kẻ thù thực hiện ý đồ thâm độc, các đảng viên Nhà tù Sơn La đề ra chủ trương “Đấu tranh không ra Gốc Ổi” (nghĩa là không chờ chết vùi xác nơi nghĩa địa) mà phải sống để chiến đấu, chiến thắng.

Từ quyết tâm đó, cuối tháng 12/1939, các đảng viên trong tù đã thảo luận về việc thành lập tổ chức cơ sở Ðảng. Ban Chi ủy lâm thời được thành lập gồm 10 đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư chi bộ. Ðến tháng 2/1940, chi bộ chuyển thành chính thức do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên, với chủ trương “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.

Tài liệu huấn luyện do đồng chí Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị, Trần Đình Long...soạn thảo. Do việc học trong tù rất phức tạp và mạo hiểm nên tất cả các tài liệu đều phải viết bằng mẩu giấy nhỏ, giấy cuốn thuốc lá để dễ cất giấu và thủ tiêu khi bị lộ.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Ngô Gia Khảm đã kể lại: “Nhà tù Sơn La thật là một trường học lớn với tôi, ở đây tôi học đọc, học viết, học lý luận về chủ nghĩa cộng sản, học kinh nghiệm đấu tranh, khắc sâu vào trong xương tủy mối thù đế quốc, vững tin hơn bao giờ hết ở sự tất thắng của cách mạng.”

Trong Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La có trích lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận.

Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kì dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn được bước tiến của cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”.

Tinh thần Tô Hiệu

Đứng dưới gốc đào mang tên đồng chí Tô Hiệu, giọng chị thuyết minh viên nhẹ nhàng đưa chúng tôi quay ngược về lịch sử với câu chuyện bi hùng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), giác ngộ cách mạng từ rất sớm.

Năm 18 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến cuối năm 1939, đồng chí một lần nữa bị kết án 5 năm tù và đày lên Nhà tù Sơn La.

Bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên cường, không chịu khuất phục. Đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La, tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ.

Thực dân Pháp lấy cớ đồng chí Tô Hiệu bị bệnh lao phổi, chúng giam riêng tại một xà lim cạnh hành lang đi tuần. Mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, ho ra máu rất nhiều, nhưng trước khi nhắm mắt, Tô Hiệu vẫn cố gắng viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên cho chi bộ với tinh thần lạc quan cách mạng.

Trong nhà tù, thực dân Pháp còn cho xây dựng một dãy xà lim nằm sâu dưới lòng đất để giam cầm chiến sĩ cách mạng.
Trong nhà tù, thực dân Pháp còn cho xây dựng một dãy xà lim nằm sâu dưới lòng đất để giam cầm chiến sĩ cách mạng.

Đồng chí nói với anh em: “Mình biết chắc là mình sẽ chết sớm hơn người khác vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng”.

Tháng 2/1944, sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu giảm sút nghiêm trọng, Chi bộ Nhà tù Sơn La lãnh đạo anh em đấu tranh với cai ngục đưa đồng chí về kho xép cạnh nhà bếp để có thể chăm sóc và để đồng chí được gần gũi với anh em tù nhân trong những ngày cuối đời.

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 7 tháng 3 năm 1944, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm thương tiếc của anh em tù nhân. Ghi nhớ công lao của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ Nhà tù Sơn La phân công tổ đục đá làm một tấm bia khắc tên Tô Hiệu chôn giấu dưới mộ phần…

Nói về người chiến sĩ kiên trung Tô Hiệu, chị Lò Thủy Tiên- thuyết minh viên Bảo Tàng tỉnh Sơn La cho biết, không nhớ đã tái hiện câu chuyện về những cống hiến của ông biết bao lần. Và mỗi lần dẫn du khách tham quan, giới thiệu, chị Tiên luôn có những cảm xúc thật đặc biệt.

“Tôi rất tự hào. Đó là lúc tôi được kể cho du khách, cho người dân về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của những người tù cộng sản ở đây, tiêu biểu là tấm gương Tô Hiệu. Qua đó người tới tham quan sẽ hiểu sâu hơn, tự hào hơn về dân tộc, lịch sử của quê hương mình.”- chị Tiên bùi ngùi chia sẻ.

Vô cùng xúc động khi được thắp hương ngay tại nơi đồng chí Tô Hiệu ra đi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh đã chia sẻ: “Di tích còn lại không nguyên vẹn nhưng cũng đủ cho chúng ta hình dung cái ác liệt và tàn bạo của chiến tranh.

Có được tự do và hạnh phúc cho chúng ta hôm nay, biết bao đồng chí, đồng bào phải chịu đựng gian khổ đến tột cùng. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn nào chúng ta cũng phải đoàn kết, không ngừng học tập, rèn luyện và giữ vững ý chí”.

Nhiều lần bị đánh bom, nhưng Nhà tù Sơn La “như có một phép màu kỳ lạ” vẫn hằn sâu dấu vết tội ác. Cây đào mang tên đồng chí Tô Hiệu vẫn bám rễ, cho lộc biếc, nở hoa mỗi dịp xuân về. Nó như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường của những chiến sĩ cộng sản trung kiên vì hòa bình cho dân tộc.

Còn tiếp…

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Các tin khác: