Truyện ngắn: Con đường liên xã

Cập nhật, 08:19, Thứ Hai, 20/05/2024 (GMT+7)
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
MINH ĐIỀN
Mưa xuống, cây cối trong vườn nhà ông Năm Lê như tươi tốt hơn. Tuy vậy, ông cũng thấy lo lắm! Vì vườn nhãn ông đang mang trái, sắp thu hoạch rồi, nếu bị gãy nhánh nào thì thiệt hại không ít. Bởi cũng nhờ nhãn mà mấy năm nay gia đình nhà ông có của ăn của để. Ông không chỉ xây nhà ngói khang trang mà còn mua sắm ti vi, tủ lạnh… đầy đủ tiện nghi hết, có khác gì mấy ngôi nhà ngoài thành phố. Ông còn dự định, nếu giá nhãn cứ kha khá như thế, tích góp vài năm, ông dư sức lo cho mấy đứa cháu nội học hành tới nơi tới chốn.
 
Hôm rồi, ngồi trong quán cà phê, ông Năm tình cờ nghe đứa con của Tư Phúc nói tiếng Tây, tiếng u với Tây ba lô. Ông nghe nó sướng làm sao! Thật đáng khen cho mấy đứa con của Tư Phúc, đứa nào cũng học hành ngon lành hết trơn. Đó là nhờ cái chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đó chớ! Cũng vì vậy mà nhà thằng Tư Phúc khấm khá hơn, con cái cũng có điều kiện để đi học. Ông Năm mong một ngày mấy đứa cháu ông cũng thành đạt như vậy.
 
Đang đứng vừa nghĩ ngợi, vừa lặng ngắm cây cối sau vườn thì Sáu Được, Tư Phúc, Hai Hồng đến. Thấy ông Năm, Sáu Được liền hỏi:
 
- Nghe nói con đường trước cửa nhà mình có kế hoạch làm rồi hả ông Năm?
 
Ông Năm chưa kịp trả lời thì Tư Phúc nói:
 
- Hồi sáng, tui đi uống cà phê ngoài chợ nghe nói có dự án rồi đó ông ơi! Vài bữa nữa người ta mời mình họp là biết chớ gì.
 
Nghe Tư Phúc nói vậy, Sáu Được dường như chợt nhớ ra điều gì, liền trả lời:
 
- Đất đai tôi ít lắm, phải bồi thường tui mới cho làm.
 
Ông Năm mời mọi người vào nhà rồi ông rót nước trà vào những cái ly đang để sẵn trong mâm. Tư Phúc, Hai Hồng ai nấy đưa tay cầm một ly, chưa uống ngụm nào đã khen nức, khen nở. Vậy mà không gây được sự chú ý gì đối với Sáu Được. Thấy vậy ông Năm thúc giục:
 
- Thôi, uống trà đi Sáu Được. Đang có chuyện gì bực tức trong lòng sao mà mặt mày quạu đeo vậy? 
 
Sáu Được giãi bày tâm tư mà mấy hôm rày cố nén trong lòng:
 
- Ông Năm coi đó, gia đình tui đến 4 nhân khẩu mà vỏn vẹn chỉ có 200m2 đất cất nhà để ở. Mai mốt, con đường trước cửa nhà mình đây sẽ xây dựng lại thành đường liên xã thì còn chỗ đâu mà ở nữa!
 
Nghe vậy ông Năm mới nói:
 
- Chuyện xây đường, ở xã chưa ai đề cập đến mà! Mai mốt, người ta còn họp dân lấy ý kiến. Lúc đó, bây trình bày khó khăn mình ra coi người ta giải quyết như thế nào. Chủ trương là vậy, nhưng chuyện gì cũng phải giải quyết cho có tình, có lý chớ. Tao tin vào cách giải quyết của mấy cháu ngoài kia là không có thiệt thòi gì cho Sáu Được đâu!
 
Nói rồi, ông Năm cười khà khà, vỗ vỗ vào vai Sáu Được, lắc lắc vài cái vậy mà mặt Sáu Được vẫn quạu đeo như người vừa mất của. Thấy vậy ông Năm nói thêm:
 
-Bây thấy đó, ngày nay bước ra khỏi nhà là đường sá sạch sẽ, văn minh, đâu có giống như thời mình còn nhỏ. Mỗi lần ra ngoài thành phố quần dài phải quấn cổ lội sình lội bùn. Rồi đây, khi con đường này làm xong, xóm làng vui vẻ cho mà coi.
 
Với lại, làng quê mình hiện giờ đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng rất mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mười nhà đã hết chín nhà trồng cây ăn trái rồi. Nhà nước đầu tư làm con đường liên xã này ngoài việc lưu thông thuận lợi cho bà con hai xã, còn để phục vụ cho việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đó chớ. Tao nghĩ sau khi con đường xây xong là xóm mình thêm đổi mới hơn giờ đó nghen. Bà con rất thuận tiện trong việc vận chuyển trái cây, lúa thóc, hàng hóa… Kinh tế phát triển, bộ mặt thôn xóm đổi khác nên mỗi người cần đóng góp một phần nhỏ theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Nếu họp tao giơ tay đồng ý trước nè.
 
Tư Phúc, Hai Hồng cũng hưởng ứng theo lời của ông Năm. Ông Năm liền bảo:
 
- Tao nói vậy rồi mà mày lo lắng chuyện gì nữa vậy Sáu Được. Thôi để tao biểu vợ thằng Hai nướng khô khoai lên rồi tụi mình làm lai rai nghe. Còn bây giờ theo tao ra vườn xem rồi “đánh” coi vườn nhãn của tao năm nay được bao nhiêu tấn nè. Nếu tới thu hoạch giá còn nằm như vầy thôi, thì tao sẽ mời bây sang, không phải nhậu với khô khoai như vầy đâu, mà nhậu với heo quay nghen.
 
Nói rồi ông Năm dẫn mọi người ra vườn nhãn. Bao câu nói râm ran, lẫn tiếng cười hề hà vang trong vườn nhãn không ngớt… 
 
Độ một tháng sau, có người ghé nhà, mời ông Năm dự họp:
 
- Ông Năm cho con gửi thư mời họp nghe. Ngày mai lúc 2 giờ chiều tại nhà văn hóa ấp nghe ông Năm.
 
- Mời họp về vụ gì vậy bây?
 
Người cán bộ đưa thư trả lời:
 
- Họp để công khai về việc làm con đường liên xã nè ông Năm.
 
Cầm giấy mời trên tay, ông Năm vui lắm. Ông đâu ngờ dự án được làm mau vậy. Mai mốt rủi ông có đi theo ông theo bà thì ông cũng tận mắt nhìn thấy con đường văn minh, sạch đẹp chạy qua trước cửa nhà mình. Rồi ông nghĩ ngợi đến chuyện đi học đi hành của mấy đứa cháu khỏi phải lội sình, lội bùn, nghĩ về nay mai nhà ông thu hoạch trái cây, xe ghé vào sát nhà vườn để chuyên chở. Rồi đêm hôm đèn điện sáng trưng chạy dọc theo các nhà trong xóm… Càng nghĩ, ông Năm càng thấy phấn khởi trong lòng.
 
Ông Năm liền biểu đứa cháu nội qua mời bác Sáu, bác Tư sang uống nước trà.
 
Lát sau, Sáu Được và Tư Phúc đi sang. Gương mặt ông Năm hớn hở, xem chừng ông trẻ lại vài tuổi. Ông nhìn Sáu Được, Tư Phúc rồi hỏi luôn:
 
- Hai đứa bây cũng nhận được giấy mời rồi phải không?
 
Tư Phúc chỉ cười hề hề, còn Sáu Được nhìn ông Năm rồi nói:
 
- Tui rầu đến phát sốt đây, ăn mừng cái nỗi gì?
 
Ông Năm khuyên:
 
-Tao bảo bây cứ an tâm đi mà. Hôm qua, ghé ủy ban xã, tao có hỏi ông phó chủ tịch xã về trường hợp của bây. Ông ấy trả lời là cấp trên đã có ghi nhận hết rồi, bà con cứ an tâm.
Nghe xong Tư Phúc vỗ vai Sáu Được một cái, rồi nói luôn:
 
- Thấy không! Tui đã bảo chuyện gì cũng phải từ từ nghe ngóng tin tức coi người ta giải quyết như thế nào. Nếu thấy ổn thỏa thì thôi, không thấy ổn thỏa lúc đó mình có ý kiến cũng không muộn. 
 
Ông Năm nghe Tư Phúc nói, cười hà hà rồi biểu cháu nội chạy ra cái ghế bố ông bắc ngủ trưa ngoài vườn nhãn, lấy cuốn sách “Những mẫu chuyện về Bác Hồ” mà con mượn đọc hồi sáng đưa cho ông.
 
Ông Năm vừa dứt lời Sáu Được hỏi:
 
- Tự nhiên đang nói chuyện con đường, ông bảo nó lấy sách để làm gì?
 
Sáu Được vừa hỏi chưa dứt lời thì đứa cháu nội ông Năm chạy vù lên chìa cuốn sách trước mặt. Ông Năm đưa tay đón nhận rồi đưa cho Sáu Được. Ông vừa đưa vừa nói:
 
- Bây cầm quyển sách này về đọc, rồi học tập ông Cụ đức tính cần thiết để có cách ứng xử cho khôn, cho khéo với người ta. Xem ra bây cũng là tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, cũng là một cán bộ. Mai mốt chắc có lẽ bây còn phải giao tiếp với nhiều người nữa mà. Cấp dưới có, cấp trên có. Dù ai đi nữa phải có cách ứng xử cho đúng mực. Chứ cứ nóng ào ào như bây làm hư bột hư đường hết, ai cũng phải chịu trách nhiệm trong lời nói, trong ứng xử của mình hết.
 
Nói rồi ông Năm đưa tay lấy lại cuối sách từ tay Sáu Được. Thấm một miếng nước trà rơi trên bàn rồi lật lật từng trang, sau đó ông lại chìa trước mặt Sáu Được:
 
- Nè, bây về đọc mẫu chuyện “Nước nóng nước lạnh” này nghe! Chuyện có ý nghĩa lắm đó. Đọc phải ngẫm đi, ngẫm lại coi ông Cụ dạy gì mà làm theo nghe chưa.
 
Sáu Được chìa tay dự định nhận cuốn sách, Tư Phúc đã đưa tay lấy trước, đưa mắt ngắm ngắm trang bìa, vừa ngắm vừa bình:
 
- Trời! Ông Năm tìm đâu ra cuốn sách này vậy. Hay là để con đọc trước hãy đưa cho Sáu Được nghe!
 
Ông Năm nhăn mặt:
 
- Thôi, thôi! Để thằng Được đọc trước rồi đến bây. Ráng chờ đi!
 
Sáu Được nhận quyển sách từ tay ông Năm. Ba người ngồi vừa uống nước trà vừa nói chuyện rỉ rả. Xem ra, nỗi buồn của Sáu Được đã bị niềm vui của ông Năm và Tư Phúc che lấp mất trong câu chuyện về con đường liên xã và vườn nhãn đang chuẩn bị vào mùa của ông Năm.
 
Xế trưa hôm sau, mọi người đều có mặt tại nhà Văn hóa ấp để dự họp. Vừa đến nơi, ông Năm đã thấy Sáu Được ngồi đó tự bao giờ. Thấy ông Năm đến, Sáu Được kéo ghế ở cạnh mình mời ông ngồi. Đến giờ họp, phó chủ tịch xã trình bày rõ những chủ trương về dự án làm con đường liên xã. Xem ra, ai cũng vui vẻ chấp nhận chủ trương này. Tiếng nói xôn xao bắt đầu rộ lên. Phó chủ tịch xã dừng lại một lúc để nghe ý kiến đóng góp của người dân. Hồi lâu ông mới nói:
 
- Về dự án làm con đường, tôi đã trình bày toàn bộ kế hoạch cho bà con ở đây được rõ rồi. Giờ xin cho hỏi, có ai còn có chỗ nào không hiểu, hay có ý kiến nào khác hơn không. Nếu giải trình được tôi sẽ giải trình cho bà con được rõ. Nếu ý kiến nào vượt ngoài khả năng, tôi xin ghi nhận và sẽ trả lời bà con sau bằng văn bản.
 
Chờ cho lời nói râm ran mọi người vừa dứt, ông Năm xin có ý kiến:
 
- Thưa bà con! Tôi nghĩ, con đường liên xã này là phù hợp với nguyện vọng của bà con nơi đây, nên chắc chắn mọi người sẽ chấp nhận với chủ trương này. Về cá nhân tôi, Nhà nước cần bao nhiêu đất để làm con đường tôi đều chấp nhận hiến vào, nhưng ở đây có một vài hộ ít đất quá. Không biết đảng ủy xã chủ trương giải quyết cho những hộ này như thế nào, lãnh đạo xã cho biết luôn để bà con an tâm.
 
Nghe ông Năm hỏi vị phó chủ tịch xã như sực nhớ ra điều gì. Ông lật lật, tìm tìm gì trong tập hồ sơ rồi để sẵn trên bàn. Chờ cho mọi người có ý kiến hết, ông giải trình một lượt:
 
- Thưa bà con, đại diện cho đảng ủy, UBND xã tôi hoan nghênh tinh thần của bà con. Về hộ của ông Lý Thành Được và bà Nguyễn Thị Hương là khó khăn nhất, nên đảng ủy chủ trương sẽ được hỗ trợ bố trí tái định cư.
 
Phó chủ tịch vừa nói xong cả gian phòng họp lại rộ lên những tiếng thì thào. Ông Năm nhìn sang Sáu Được cười hà hà. Lúc này mặt Sáu Được cũng trở nên rạng rỡ hơn nhiều.
***
Độ ba tháng sau con đường đã hoàn thành. Hôm nay, người ta làm lễ khánh thành rất long trọng. Tiếng trống múa lân ì đùng vang theo dọc con đường. Ông Năm mặc chiếc áo mới, đầu quấn khăn rằn ra dự khánh thành. Nhìn cái miệng cười móm mém của ông, ai cũng đoán biết ông Năm vui vẻ lắm. Ông quay sang nói với Tư Phúc và Hai Hồng:
 
- Quả là lời Cụ Hồ đúng quá đi nghen “Thắng được giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
 
Nghe nói, Tư Phúc góp vào câu chuyện:
 
- Những gì ông nhìn thấy chỉ là nhỏ hẹp trong làng quê mình thôi. Hay là xong mùa nhãn này rồi, ông Năm bảo con cháu nó chở cho đi du lịch, rồi ông sẽ thấy đất nước mình giờ đẹp đến nhường nào!
 
Ông Năm cười hà hà! Thôi, hàng ngày tao nhìn thấy con đường này của quê, thấy xóm làng thay da đổi thịt là bằng mấy lần chuyến du lịch. Già rồi ngồi xe, ngồi cộ không nỗi nữa mầy ơi. Với lại tao dám chắc với mầy, bây giờ chỉ một ngày xa cái làng quê mình thôi là tao sẽ thấy nhớ lắm!
 
Hai Hồng lại ghẹo ông Năm:
 
- Dữ hông! Ông thấy nhớ xóm làng, hay xa bà Năm không được đây?
 
Ông Năm lại cười: “Con cá làm ra con mắm” mà mậy.
 
Tư Phúc lại cao hứng đọc luôn vế còn lại: “Vợ chồng già thương lắm mình ơi”, hé ông Năm!
 
Tư Phúc vừa nói vừa nắm tay ông Năm cùng Hai Hồng chầm chậm men theo con đường tráng nhựa trải dài khắp xóm. Thỉnh thoảng mọi người đứng lại nhìn những chiếc xe tải chở đầy trái cây xuôi ngược trên đường. Những em nhỏ trong bộ đồng phục trắng tinh, cổ đeo khăn quàng đỏ trên chiếc xe đạp bon bon đến trường mà trong lòng mọi người vui phơi phới. Mắt ông Năm rạng rỡ, nhìn một lượt con đường chạy xa ngút tầm mắt, nhìn xóm làng nhà ngói san sát, tường vôi mới tinh thấp thoáng trong vườn nhãn, vườn xoài đang ra hoa mà lòng tràn đầy hạnh phúc.
 
 
 
Các tin khác: