Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

Cập nhật, 07:22, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

(VLO) Ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo trường hợp ở Tiền Giang mắc cúm A(H9) đầu tiên tại nước ta từ trước đến nay. Trước đó cuối tháng 3/2024 tại Khánh Hòa đã ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1 trên người. Bộ Y tế nhận định nguy cơ còn xuất hiện thêm các ca nhiễm cúm gia cầm trên người. Vậy cần làm gì để phòng tránh lây cúm gia cầm sang người?

Điều cần làm lúc này là làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm để đàn gia cầm không bị nhiễm bệnh, phòng bệnh lây cúm gia cầm sang người.
Điều cần làm lúc này là làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm để đàn gia cầm không bị nhiễm bệnh, phòng bệnh lây cúm gia cầm sang người.

Các biểu hiện bệnh cần chú ý

Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H9 trên người. Đây là ca nhiễm cúm gia cầm thứ 2 từ đầu năm 2024 đến nay. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa thông báo về trường hợp nhiễm cúm A/H9 trên người đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay.

Cúm A/H9 là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gia cầm gây ra và lây cho người. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus này lây từ người sang người. Kết quả điều tra dịch tễ đối với trường hợp mắc cúm A(H9) có một điểm đáng lưu ý là, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh nhân có buôn bán gia cầm.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm bệnh, chết và những nơi có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai biện pháp xử lý ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời trường hợp mắc mới.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, người bị cúm gia cầm thường có những dấu hiệu sau: sốt hoặc sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); đau đầu, đau nhức cơ, ho khan, đau họng, mệt mỏi, có thể có tiêu chảy. Một số trường hợp có diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp. Người dân khi có biểu hiện giống cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Ca bệnh nghi nhiễm cúm gia cầm là các trường hợp đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm gia cầm; tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín); tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, hoặc đã xác định mắc cúm gia cầm.

Phòng chống bệnh cúm gia cầm lây lan sang người

Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, trong đó một số chủng có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng cúm H5N1 và H7N9 gây ra.

Người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm), do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật nhiễm bệnh.

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT, trước đây có phát hiện virus cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm.  Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Song, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người. Tỷ lệ tử vong khi mắc các chủng cúm gia cầm có thể lên đến 50% trong khi con số ở cúm thường là 1-4%.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y.

Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG