Cảnh báo các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Cập nhật, 15:49, Thứ Sáu, 29/03/2024 (GMT+7)

 

Để phòng bệnh dại, ngoài tăng cường tiêm chủng cần siết chặt quản lý quy định nuôi nhốt, đeo rọ mõm cho chó khi đến nơi công cộng.
Để phòng bệnh dại, ngoài tăng cường tiêm chủng cần siết chặt quản lý quy định nuôi nhốt, đeo rọ mõm cho chó khi đến nơi công cộng.

“Dịch bệnh đầu năm nay đang diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại, cúm A/H5N1, gây ảnh hưởng sức khỏe”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, do Bộ Y tế vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức trong bối cảnh xuất hiện cúm gia cầm trên người và bệnh dại gia tăng.

Cảnh báo dịch sẽ diễn biến phức tạp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, hơn 70% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gien từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người...

Tại Việt Nam, trong phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên. Với cúm A/H5N1, sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong.

Làm rõ hơn về diễn biến của dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, ông Hoàng Minh Đức- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%).

Khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (10 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk: 4 ca, Long An: 3 ca). Riêng tại Vĩnh Long, từ năm 2021 đến nay tỉnh chưa ghi nhận ca mắc bệnh dại trên người.

Về bệnh cúm gia cầm, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức khẳng định, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm sang người vẫn có thể xảy ra do hiện nay vẫn tiếp tục ghi nhận sự lây lan của cúm gia cầm tại tất cả các khu vực trên thế giới. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra trên đàn gia cầm trên cả nước. Trong khi đó, thời tiết đang rất thuận lợi cho các mầm bệnh hô hấp phát triển và lây lan.

Vaccine phòng bệnh là “lá chắn thép”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam có quy mô đàn gia súc, gia cầm lớn. “Thời tiết diễn biến thất thường, nước ta lại có đường biên giới dài, hoạt động giao lưu thương mại và thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát”- Thứ trưởng cho hay.

Riêng với bệnh dại, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 30%, trong khi đó vaccine luôn có đủ. Mặt khác, thói quen người dân nuôi chó thả rông; vật nuôi khi ra đường cơ bản không đeo rọ mõm. Nhiều địa phương chưa triển khai hoạt động tiêm chủng… là nguy cơ khiến bệnh dại gia tăng trong thời gian tới.

“Bài học từ phòng chống dịch COVID-19, vaccine phòng bệnh vẫn là lá chắn thép. Do đó, vấn đề tiêm vaccine trên đàn chó mèo là điểm nóng cần bàn bạc để có phương án đảm bảo độ phủ vaccine và đây là vấn đề cần phải giải quyết triệt để” -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, thống kê của Bộ Y tế cho thấy bình quân có 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm.

“Bệnh dại không chỉ gây tử vong rất cao ở người mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ước tính mỗi năm, chúng ta tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng cho việc tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, chưa kể chi phí điều trị vết thương do chó, mèo gây ra”- ông Hoàng Minh Đức chia sẻ.

Ông Hoàng Minh Đức cho biết thêm, theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Nguyên nhân là chủ quan của người dân; không hiểu biết về bệnh dại; trẻ nhỏ bị động vật cắn đã không nói với gia đình, không có tiền tiêm ngừa...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, nên để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp-PTNT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, huy động nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây từ động vật sang người, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức nhấn mạnh, hiện nay cúm A/H5N1 vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ tử vong rất cao khoảng 50%. Cúm gia cầm có nguy cơ gây ra các đại dịch tiếp diễn. Khả năng lây lan giữa động vật và người được xác nhận ở các chủng cúm A/H5N6, A/H5N1, A/H5N8 và các type khác.

“Việc lưu hành đồng thời của các virus cùng với sự tăng cường khả năng thích ứng trên động vật có vú là một yếu tố đáng quan ngại có thể khiến dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới. Bởi vậy, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan”- ông Minh Đức nói.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Các tin khác: