Việt Nam quyết tâm dập dịch trong 10 ngày

Cập nhật, 06:13, Thứ Bảy, 30/01/2021 (GMT+7)

 

Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để dịch COVID-19 lây lan trong bệnh viện.
Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không để dịch COVID-19 lây lan trong bệnh viện.

(VLO) Đây là đợt bùng phát dịch lớn nhất trong cộng đồng từ trước tới nay ở nước ta, ổ dịch COVID-19 ở Hải Dương tiềm ẩn khoảng 10 ngày và chủng vi rút này lây lan rất nhanh.

Do đó, người dân không được chủ quan bởi dịch có thể bùng phát ở bất cứ địa phương nào; các sự cố này đã được lường trước nếu chúng ta thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch sẽ tránh được những điều đáng tiếc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19- nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với sở y tế 63 tỉnh- thành về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong chiều 28/1/2021.

1 ngày, ghi nhận gần 100 ca bệnh trong cộng đồng

Sau 55 ngày miễn nhiễm cộng đồng, sáng 28/1, Bộ Y tế bất ngờ công bố 2 ca mắc COVID-19 ở Quảng Ninh và Hải Dương. Trưa cùng ngày, số ca ghi nhận tăng thêm 82 và đến chiều, thêm 14 ca.

Buổi tối, cơ quan y tế Hà Nội và Bắc Ninh thông báo thêm 2 ca dương tính. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngày 28/1 trở thành ngày ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất từ trước đến nay.

Đến sáng 29/1, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo ghi nhận thêm 9 ca mới, đều là ca trong cộng đồng.

Thủ tướng cũng ra quyết định phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và Cảng Hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh); quyết liệt truy vết thần tốc để khoanh vùng dập dịch.

BCĐ quốc gia phòng chống dịch và các chuyên gia dịch tễ đánh giá chủng SARS-CoV-2 lần này biến thể rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây, độc tính không mạnh hơn chủng cũ nhưng mức độ lây lan tăng hơn 70%. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay có 2 lý do chính dẫn đến lây lan nhanh ở đợt dịch này.

Thứ nhất, bệnh nhân nhiễm chủng vi rút biến thể, lây lan nhanh. Thứ hai, ổ dịch ở Hải Dương đã có trong cộng đồng từ khoảng 10 ngày trước, thông thường 5 ngày/chu kỳ lây nhưng chủng mới chỉ khoảng 3 ngày/chu kỳ lây. Trong 10 ngày có trong cộng đồng, có thể đã qua 4 chu kỳ lây.

“Phong tỏa bất tiện vô cùng, nhưng nếu không quyết liệt từ đầu, nếu ngại khó ngại khổ thì dập dịch sẽ khó hơn. Chủng vi rút mới lây lan nhanh, nhưng chúng ta phải nhanh hơn vi rút. Ở Hải Dương, Quảng Ninh mọi người đều đang chạy đua để quyết tâm dập dịch trong 10 ngày tới”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam quyết tâm dập dịch trong 10 ngày

Nói về mục tiêu quyết tâm dập dịch trong 10 ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là mục tiêu có cơ sở. Trong vụ dịch lần này ở Hải Dương và Quảng Ninh, ngành y tế không bỏ lỡ một giây phút nào, đã tiếp cận ngay từ giây phút đầu tiên khi nhận bệnh nhân.

Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt nếu có vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt nếu có vi phạm.

Ngay trong ngày đầu tiên đã lấy hơn 5.000 mẫu xét nghiệm, truy vết đến F3. Trong khi ở Đà Nẵng những thời điểm đầu tiên là có những lúng túng. Các lực lượng chuyên gia dịch tễ và y tế đã được huy động tới các điểm nóng nhất để dập dịch nhanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh- thành nâng mức cảnh báo lên 1 bậc, khi phát hiện ca nghi nhiễm, lập tức phải khoanh vùng. Nghi có F1 thì phải coi như F0, F2 coi như F1. “Vì sao quy trình ở sân bay Vân Đồn chặt chẽ như thế mà vẫn có lây nhiễm? Đó là do một phút nào đó lơ là.

Tại sao Chí Linh lại có ổ bệnh? Các tỉnh khác có nghĩ mình sẽ có bệnh nhân như ở Chí Linh không? Nếu lơ là thì hoàn toàn có thể. Nếu thực hiện nghiêm túc thì không có ổ dịch như vậy.

Vì vậy phải làm thật nghiêm, thật quyết liệt, để những bài học Đà Nẵng, Chí Linh... không trở nên vô nghĩa. Hôm qua, Bộ Y tế đã huy động 6 viện đi Hải Dương, nhưng 10 tỉnh như Hải Dương thì Bộ Y tế chịu, khả năng chi viện sẽ giảm đi”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Việc vô cùng quan trọng ở Hải Dương và các địa phương khác là “giữ chặt bằng được bệnh viện” bởi chủng mới lây rất nhanh.

Tất cả các cơ sở y tế phải nâng mức báo động, tất cả thầy thuốc phải luôn cảnh giác cao hơn một mức so với trước đây vì các trường hợp ho sốt, khó thở đều đến cơ sở y tế kiểm tra. Hải Dương một năm trước đây thống kê là nơi có nhiều người già, bệnh nền nhiều nhất cả nước.

Vì vậy, nếu phát hiện có một bệnh nhân COVID-19 từng đến viện nào, phải xét nghiệm hết cả bệnh nhân nơi đó, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như Đà Nẵng hồi tháng 7- 8 vừa qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt nếu có vi phạm. Các cơ sở y tế, nơi lưu trú, bến xe, phương tiện công cộng, chợ, trung tâm thương mại, nhà máy xí nghiệp... nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn chống dịch.

Mỗi người phải tự giác, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K (khoảng cách, khẩu trang, không tụ tập, khử khuẩn, khai báo y tế). Hơn 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán, phải giữ gìn để được đón tết bình yên cho tất cả mọi nhà.

“Trước diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới, việc bùng phát trở lại tại Việt Nam đã được lường trước. Để xảy ra sự cố này, một trong những nguyên nhân là sự chủ quan trong khâu kiểm soát, cách ly người nhập cảnh; lơ là phòng dịch.

Để bảo đảm khoanh vùng, dập dịch nhanh, Chính phủ quyết định tăng thời gian cách ly lên 21 ngày. Tất cả chạy đua với thời gian, quyết tâm dập dịch trong 10 ngày để người an tâm đón tết” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN