Thuốc lá và sức khỏe

Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá

Cập nhật, 04:14, Thứ Bảy, 07/12/2019 (GMT+7)

Ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe, song, do sự chủ quan của một số người, nên tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Không chỉ gây hại cho bản thân người hút, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

Hút thuốc lào hay thuốc lá đều có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh.
Hút thuốc lào hay thuốc lá đều có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh.

Theo ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động; tỷ lệ hút thuốc ở nam là 45,3%, nữ 1,1%; người Việt đã chi hơn 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá trong năm 2015.

Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch.

Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá.

Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8-10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá.

Hút thuốc lào hay thuốc lá đều có hại cho sức khỏe của chính người hút và những người xung quanh. Thuốc lào có hàm lượng nicotin khoảng 9%, cao hơn nhiều so với thuốc lá thông thường (khoảng 1- 3%). Khi thuốc lào cháy sẽ tạo ra 56 loại chất độc khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là benzopyren.

Khói thuốc lào có thể gây nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đường ruột và bài tiết của người hút chủ động và bị động. Những người hút thuốc lào có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư vòm họng, ung thư phổi, thực quản, đại tràng, phổi tắc nghẽn mạn tính, tai biến mạch máu não...

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá, một trong những biện pháp hiệu quả là tăng thuế trong sản xuất, mua bán thuốc lá. Song, các ngành chức năng cũng cần có các giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm.

Bài, ảnh: MAI ANH