Cẩn trọng với thai ngoài tử cung

Cập nhật, 13:49, Thứ Sáu, 06/12/2019 (GMT+7)

Mang thai ngoài tử cung (TNTC) là biến chứng sản khoa thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%). Tuy nhiên, việc nhận biết sớm các dấu hiệu sẽ giúp cho các chị em có những xử lý kịp thời.

Chị em nên quan tâm đến khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh, phòng ngừa thai ngoài tử cung.
Chị em nên quan tâm đến khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh, phòng ngừa thai ngoài tử cung.

Dấu hiệu TNTC

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Kim Thoa (Khoa Sản- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long), TNTC là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở vị trí khác ngoài nội mạc tử cung, tỷ lệ TNTC chiếm từ 1- 2% các ca đẻ. 95% TNTC là ở vòi trứng và làm vỡ tai vòi gây chảy máu, mất máu có khi đe dọa đến tính mạng người bệnh.

TNTC thường là ở tai vòi và gây vỡ tai vòi sớm hay muộn tùy theo vị trí bám của túi thai, nhưng đa phần thai không phát triển đến 12 tuần. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ lệ TNTC năm 2018 là 5%. Tính đến tháng 11/2019 là 3,04% trên tổng số sinh.

Đầu tháng 10/2019, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa điều trị, cứu sống sản phụ bị TNTC. Bệnh nhân 46 tuổi (xã Long Phước- Long Hồ) bị trễ kinh 6 tuần, không khám bệnh, không siêu âm đến khi thấy đau bụng dữ dội thì vào viện. Sau khi thăm khám, phát hiện bệnh nhân bị thai sống 11 tuần 4 ngày, TNTC, chưa vỡ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Kim Thoa, thai sống ở vòi trứng khoảng 12 tuần là trường hợp cực kỳ hiếm gặp trên lâm sàng nên làm cho bác sĩ sản khoa lo lắng là thai trong ổ bụng và sẽ có nhiều cơ quan đến bao quanh cấp máu như mạc nối lớn, ruột, động mạch lớn… gây khó khăn trong việc lấy khối thai.

Ê kíp bác sĩ phẫu thuật kịp thời, tránh được biến chứng nguy hiểm như choáng mất máu, đe dọa tử vong cho người bệnh.

Trễ kinh, đau bụng, ra máu âm đạo là 3 dấu hiệu thường gặp ở người mang TNTC. Mang thai nhưng siêu âm thai vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai cũng cần nghĩ ngay đến TNTC.

Việc nhận biết sớm TNTC sẽ giúp chị em điều trị kịp thời, tránh biến chứng TNTC vỡ và những hậu quả về sức khỏe sinh sản sau này.

Nếu phát hiện sớm TNTC kích thước dưới 10mm, chưa có tim thai, có thể lựa chọn phương pháp điều trị nội bảo tồn tai vòi và tương lai sinh sản sẽ tốt hơn là cắt tai vòi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân đã 1 lần TNTC và đã cắt 1 tai vòi.

Việc chẩn đoán vị trí túi thai sớm trên siêu âm giúp bác sĩ sản khoa tiên lượng mức độ nguy hiểm và tình trạng nặng nếu khối thai bị vỡ hoặc vỡ khi quá to sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân nếu không tới bệnh viện sớm hoặc không xử trí kịp thời.

Các trường hợp điển hình như thai ở đoạn kẻ (sát sừng tử cung), thai ở tai vòi quá to hay thai trong ổ bụng.

Cách phòng tránh TNTC

Chị N.T.N. (30 tuổi, xã Trường An- TP Vĩnh Long) mang thai 2 lần nhưng đều là TNTC, phải phẫu thuật lấy ra và đã mất một bên vòi trứng.

“Theo dõi và khám tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ khuyên tôi phải hết sức cảnh giác khi chuẩn bị có thai; tuân thủ lịch khám thực hành tự theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Buồng trứng hoạt động tốt và vòi trứng còn lại của tôi không có vấn đề gì, các nguyên nhân có thể gây TNTC đã được xử trí tốt thì tôi vẫn có khả năng có thai và làm mẹ như bình thường”- chị N. cho biết.

Phụ nữ mang TNTC sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản, khiến phụ nữ giảm khả năng thụ thai hoặc có thể bị TNTC lại vào lần mang thai kế tiếp, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

Để phòng ngừa và hạn chế mang TNTC, theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Kim Thoa, chị em khi thấy mất kinh thì nên đi khám sớm để xác định có thai hay không. Nếu có thai thì xác định vị trí thai, tình trạng thai, đồng thời tìm hiểu sức khỏe của bản thân để có kế hoạch theo dõi thai kỳ hợp lý.

Khi có viêm nhiễm bộ phận sinh dục nên đi khám, tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Đặc biệt khi có hiện tượng chậm kinh, đau bụng dưới ra máu, chị em cần đi khám ngay.

Sau khi điều trị TNTC, người bệnh vẫn có thể có thai lại bình thường. Chị em nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thai trở lại. Lúc này, cơ thể người phụ nữ ổn định nên sẽ tránh được những biến chứng của việc bị TNTC trước đó. Trường hợp phụ nữ từng có TNTC cũng cần chú ý vì vẫn có nguy cơ bị tái lại.

Theo thống kê, cứ 1.000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang TNTC. Nguyên nhân hàng đầu khiến thai phụ mang TNTC là viêm nhiễm vòi trứng, viêm vùng chậu hoặc do nạo phá thai. Tắc, hẹp vòi trứng bẩm sinh, mắc các bệnh u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hậu quả của việc từng phẫu thuật vòi trứng... cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, phụ nữ nghiện thuốc lá, sống lâu dài trong môi trường có khói thuốc lá cũng là một nguyên nhân.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN