Thuốc lá và sức khỏe

Nghiện thuốc lá, nguy cơ đột quỵ cao

Cập nhật, 05:25, Thứ Sáu, 29/11/2019 (GMT+7)

Theo TS. BS Trần Chí Cường- Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ Cần Thơ, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh, uống rượu bia nhiều là tác nhân gây đột quỵ hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Hút thuốc lá cũng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ; đặc biệt, hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ cao.

TS. BS Trần Chí Cường luôn khuyên bệnh nhân không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia... để phòng ngừa đột quỵ.
TS. BS Trần Chí Cường luôn khuyên bệnh nhân không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia... để phòng ngừa đột quỵ.

Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có hơn 50% tử vong. Trong khoảng vài năm trở lại đây, số người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, nhất là ở độ tuổi 40 - 50 tuổi, trở thành mối lo ngại cho xã hội.

Các bác sĩ Bệnh viện K cảnh cáo, nếu người hút thuốc lá nhiều hơn 1 bao/ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần so với mức trung bình, còn hút thuốc ít hơn thì nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với mức bình thường.

Do đó, việc ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống và nếu ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc.

Khi hút thuốc lá, thuốc lào rất nhiều hóa chất khác nhau được hấp thụ vào cơ thể thông qua việc hít phải khói thuốc lá gây ra những thay đổi có hại dài hạn và ngắn hạn cho các mạch máu não.

Tốc độ của dòng máu qua mạch máu não thay đổi nhanh chóng ngay sau khi hút thuốc dẫn đến hiệu ứng tiêu cực cho não bộ.

Ngoài ra, việc hút thuốc lá thường xuyên sẽ dẫn đến mạch máu não trở nên dễ tắc nghẽn hơn và dễ tạo cục máu đông hơn khi tiếp xúc với nhiều hóa chất trong khói thuốc lá. Khói thuốc lá gây những thay đổi trong nhịp tim và chức năng tim, cuối cùng có thể dẫn đến đột quỵ.

Theo TS. BS Trần Chí Cường, điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát. Những người có triệu chứng đột quỵ; từng đột quỵ nhẹ hoặc có những yếu tố nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, uống rượu bia nhiều; những người có các triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh cần phải đi tầm soát đột quỵ.

“Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm của cuộc đời, với bất kỳ ai. Vấn đề là phải hiểu về đột quỵ, nguy cơ, những triệu chứng sớm để tầm soát. Chung quy, để bảo vệ cơ thể không phải là chuyện tầm soát mà là phải giữ gìn sức khỏe. Không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia...

Những người khỏe mạnh bình thường, có lối sống lành mạnh thì xác suất đột quỵ rất thấp. Trong khi cũng có nhiều trường hợp chăm chăm đi tầm soát, kết quả không sao rồi về nhậu nhẹt thả ga, hút thuốc lá nhiều hơn thì vô tình việc tầm soát lại làm hại chính mình”- TS. BS Trần Chí Cường lưu ý.

Các nhà khoa học chứng minh rằng hút thuốc gián tiếp cũng có thể làm tăng đột quỵ ở người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá của người hút. Ví dụ như, với người vợ hoặc chồng không hút thuốc, mà thường xuyên tiếp xúc gián tiếp với nồng độ cao của khói thuốc trong nhiều năm, có tần suất đột quỵ cao hơn nhiều so với những người không thường xuyên tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc lá có tình trạng sức khỏe tương đương.

Bài, ảnh: MAI ANH