"Đái tháo đường- mối bận tâm của mọi người"

Cập nhật, 06:50, Thứ Sáu, 15/11/2019 (GMT+7)

Đái tháo đường (ĐTĐ, tiểu đường) là một bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi sự tăng glucose máu mạn tính. Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 3,5 triệu người chung sống với bệnh ĐTĐ, mỗi ngày có ít nhất 80 người tử vong vì các biến chứng liên quan. Bệnh hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại nước ta, chỉ sau bệnh lý tim mạch, ung thư và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành.

Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa

Không biết về bệnh ĐTĐ nên khi có biểu hiện sụt cân, khát nước, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi… chị Đ.T.L (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm) không đi khám. Chỉ đến khi loét bàn chân nặng mới đến bệnh viện điều trị thì chị mới biết mắc bệnh tiểu đường nặng và đang có biến chứng tổn thương thần kinh.

Theo Hội Người giáo dục bệnh ĐTĐ Việt Nam, người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 ngày càng trẻ hóa. Tuổi trung bình của người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 trên thế giới là 40 tuổi, nhưng tại Việt Nam, có trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh. Nếu như cách đây 30 năm, để tìm ra một bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 ở độ tuổi 40 rất khó thì đến nay, những bệnh nhân này lại rất nhiều.

Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chính thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa, lối sống ít vận động, ô nhiễm môi trường khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, tăng béo phì. Một số bạn trẻ thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống thiếu điều độ, bỏ bữa vì chơi game, xem ti vi gây tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa... dẫn tới bệnh ĐTĐ.

Thêm vào đó, khi mắc ĐTĐ ở tuổi còn nhỏ, trẻ thường tuân thủ điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn. Thông thường, người mắc ĐTĐ type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt.

Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức, tạo thói quen ý thức về bệnh cho trẻ là rất khó. Trong đó, hạ đường huyết là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. Để phòng tránh ĐTĐ cho con trẻ, ba mẹ cần kiểm soát chế độ ăn và cân nặng cho trẻ.

Kiểm soát ĐTĐ trong cộng đồng

Đây là bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời nên có nhiều bệnh nhân mắc phải sai lầm khi điều trị làm tăng chi phí và khiến bệnh ngày một trầm trọng hơn. Đáng chú ý là có tới 60% người bị ĐTĐ không biết mình bị bệnh. Cứ 20 người trưởng thành thì có 1 bệnh nhân mắc ĐTĐ, song, nhiều người trong số này không biết mình mắc bệnh.

Nguyên nhân khiến bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh là do nhận thức cũng như kiến thức đầy đủ về căn bệnh này của người dân chưa cao nên còn khoảng một nửa bệnh nhân chưa được tiến hành khám và điều trị bệnh, đây là con số đáng lo ngại do nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển của biến chứng sẽ ngày càng nặng hơn.

Vì vậy, kiểm soát bệnh ĐTĐ tại cộng đồng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và biến chứng nguy hiểm khác. Bà Lê Thị Sành (xã Hòa Thạnh-Tam Bình) cho biết: “Tui bị lở cái chân, do không biết mình bị tiểu đường nên cũng hổng hiểu sao cái chân không hết mà bị nhiễm trùng, không lành luôn. Khám mới biết tui bị tiểu đường nặng. Giờ đây, bịnh gây nhiều biến chứng khiến mắt hết thấy đường, rồi bị ảnh hưởng thận nữa”.

Dù có rất nhiều tiến bộ trong phương pháp điều trị nhưng người bệnh ĐTĐ vẫn có nhiều biến chứng nguy hiểm làm tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế. Có 20% người bệnh ĐTĐ bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Đối với người bệnh ĐTĐ, những biến chứng tim mạch được xem là nguy hiểm nhất bởi không chỉ do đường huyết cao mà còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp… Do đó, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tàn tật, mất ngón, đoạn chi, suy tim, nhồi máu cơ tim và thậm chí là tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm, khi mắc bệnh ĐTĐ sẽ có một số biến chứng hết sức nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Ông nói: “Ví dụ như biến chứng về tim mạch, thận, mắt và biến chứng bàn chân, những biến chứng này nếu điều trị quản lý tốt thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được”.

Bệnh ĐTĐ hiện không chữa khỏi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, thử đường huyết nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm. Tuyệt đối không được sử dụng các bài thuốc gia truyền, truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng.

Ngoài ra, cùng với việc dùng thuốc kiểm soát đường huyết và dự phòng, thì chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh ĐTĐ.

“Đái tháo đường- mối bận tâm của mọi gia đình” là chủ đề của Ngày ĐTĐ thế giới (14/11) năm 2019. Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF) cho biết, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân ĐTĐ mắc mới, cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 425 triệu người đang sống chung với bệnh ĐTĐ. Chi phí y tế điều trị ĐTĐ đang trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân, cho gia đình mà còn cho toàn xã hội.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN