Bất ngờ với tình huống dễ dẫn đến "đột quỵ thầm lặng"

Cập nhật, 12:46, Thứ Bảy, 17/08/2019 (GMT+7)

Nghiên cứu mới của Canada cảnh báo nguy cơ gặp phải "đột quỵ thầm lặng" nguy hiểm sẽ tăng lên 1/14 nếu người cao tuổi trải qua một cơn phẫu thuật... không liên quan đến tim

Đột quỵ thầm lặng không khiến người bệnh gục ngã ngay nhưng vẫn giết chết một số phần trong não bộ, gây các triệu chứng như đãng trí, mất tập trung - ảnh minh họa từ iSTOCK
Đột quỵ thầm lặng không khiến người bệnh gục ngã ngay nhưng vẫn giết chết một số phần trong não bộ, gây các triệu chứng như đãng trí, mất tập trung - ảnh minh họa từ iSTOCK

Hơn 1.100 bệnh nhân ở tuổi hưu trí trên khắp thế giới đã tham gia cuộc thử nghiệm do Đại học Western Ontario nhằm xác định nguy cơ tiềm ẩn xảy ra "đột quỵ thầm lặng". Họ được chụp cộng hưởng từ (MRI) 9 ngày sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật không liên quan tới tim. Kết quả cho thấy, cuộc phẫu thuật tưởng chừng không liên quan này đã khiến nguy cơ đột quỵ thầm lặng của họ tăng cao: tới 1 trong 14 người đã gặp phải nó rất sớm sau phẫu thuật. 

Đột quỵ thầm lặng là thuật ngữ chỉ việc một cục máu đông làm gián đoạn lưu lượng máu trong não, nhưng chỉ tác động đến một số ít vùng và là những vùng không kiểm soát bất kỳ chức năng có thể nhìn thấy nào. Vì vậy, bệnh nhân không hề biết đột quỵ thầm lặng đã xảy ra với mình. Vấn đề chỉ vô tình được phát hiện khi người đó chụp MRI hoặc CT vì một lý do gì khác, và bác sĩ phát hiện ra phần não bị tổn thương.

Tuy không làm người mắc "đứt bóng" đột ngột như đột quỵ thông thường, nhưng đột quỵ im lặng vẫn gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho người mắc phải, bởi não vẫn bị tổn thương. Ví dụ, họ thường bắt đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ hoặc khả năng tập trung giảm. Người bị đột quỵ thầm lặng cũng tăng cao nguy cơ gặp phải cơn đột quỵ chết người thực sự; tăng nguy cơ mê sảng sau phẫu thuật.

Nghiên cứu cung cấp thêm căn cứ để bác sĩ cân nhắc chỉ định phẫu thuật ở người lớn tuổi, đánh giá và dự phòng các rủi ro sau phẫu thuật, chỉ định chụp MRI đúng lúc để kịp thời phát hiện và điều trị đột quỵ thầm lặng.

Phó giáo sư – tiến sĩ Marko Mrkobrada, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: "Bác sĩ hiện có thể phẫu thuật cho bệnh nhân lớn tuổi và ốm yếu nhờ cải tiến kỹ thuật phẫu thuật và gây mê. Mặc dù ca phẫu thuật đem lại lợi ích nhất định, chúng ta cũng cần hiểu những rủi ro".

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y học The Lancet, cũng cảnh báo rằng 1 trong 200 người trên 65 tuổi phải trải qua đại phẫu sẽ gặp một cơn đột quỵ thực sự.

Theo The Telegraph, EurekAlert/NLĐO