Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12)

Nâng cao hiệu quả phòng chống HIV/AIDS

Cập nhật, 15:01, Thứ Bảy, 01/12/2018 (GMT+7)

Chủ đề trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 được xác định là “Xét nghiệm HIV sớm- Hướng tới mục tiêu 90- 90- 90 vào năm 2020”. 

Đây là mục tiêu rất cao do Liên Hợp Quốc đề ra và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới hưởng ứng mục tiêu 90-90-90.

Bệnh nhân nhiễm HIV lấy thuốc uống ARV định kỳ.
Bệnh nhân nhiễm HIV lấy thuốc uống ARV định kỳ.

Để đạt được mục tiêu thanh toán đại dịch HIV/AIDS thì việc xét nghiệm HIV sớm ở những đối tượng có nguy cơ cao để tầm soát và có hướng điều trị thích hợp, không để lây lan trong cộng đồng là một vấn đề vô cùng quan trọng.

Cần dự phòng lây truyền HIV

Cho đến nay, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các cấp của tỉnh Vĩnh Long từng bước được hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm sớm giúp tầm soát HIV/AIDS, tránh lây truyền từ mẹ sang con được đẩy mạnh với sự phối hợp của các trung tâm y tế trong tỉnh.

Qua đó, xét nghiệm và phát hiện 29 trường hợp nhiễm HIV, tất cả trường hợp đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV.

Thai phụ đến khám được tư vấn về mục đích, ý nghĩa cũng như hiệu quả của việc xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng để hạn chế lây truyền HIV cho con khi chẳng may bị nhiễm.

TS, BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Một người mẹ bị nhiễm HIV không được điều trị dự phòng thì khả năng lây truyền cho con từ 30- 40%, là gần phân nửa đứa trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Nếu chúng ta điều trị dự phòng càng sớm trong thời gian mang thai thì khả năng lây truyền cho trẻ rất thấp, có thể giảm xuống tới 3%. Thậm chí, tải lượng vi rút thấp thì tỷ lệ dự phòng lây truyền sang con đến 0%”.

Người nghiện ma túy khám lấy thuốc ARV
Người nghiện ma túy khám lấy thuốc ARV

Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng với số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện tăng hơn 30% so với năm trước.

Ngành y tế mở rộng các loại hình các xét nghiệm tại cộng đồng và tăng cường công tác xét nghiệm HIV trong các cơ sở y tế, nên số người người nhiễm HIV trong cộng đồng tiếp tục được phát hiện, ngày càng có người nhiễm HIV biết sớm tình trạng HIV và tham gia điều trị sớm ARV góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Nâng cao hiệu quả phòng chống HIV/AIDS

Theo ước tính trung bình mỗi năm, Vĩnh Long phát hiện thêm mới khoảng 120 trường hợp nhiễm HIV. Nhóm nguy cơ nhiễm HIV cao và lây lan ra cộng đồng là nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới. Lây nhiễm HIV qua đường máu và đường tình dục chiếm tỷ lệ cao.

Tuyên truyền hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng cần phổ quát tất cả các đường lây truyền, trong đó chú ý sâu rộng tới các đường lây nhiễm tỷ lệ cao, can thiệp giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới, đồng thời tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Việc mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được các địa phương đẩy mạnh với tỷ lệ chung tại 63 tỉnh với khoảng 85% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT…

Riêng tỉnh Vĩnh Long, từ nguồn kinh phí địa phương, những bệnh nhân bị nhiễm đang được điều trị đã được cấp thẻ BHYT từ năm 2017 đến nay. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác điều trị ARV đạt hiệu quả hơn.

Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Vĩnh Long tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện,

trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh;

sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, dù dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay được triển khai rộng rãi tại các trung tâm y tế nhưng nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng bệnh của mình.

Họ có thể sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, dịch vụ điều trị ARV sớm.

Theo dự báo của ngành y tế, bệnh HIV/AIDS bắt đầu lan ra các nhóm có nguy cơ thấp và lan ra cộng đồng chủ yếu lây qua đường tình dục.

Ngành y tế đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới, tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng;

đồng thời, tỉnh sẽ giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường năng lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Qua 25 năm, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên ở địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp, trong đó gần 1.600 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 825 người tử vong. Trong số 129 trường hợp nhiễm HIV mới, có 106 trường hợp là nam giới, chủ yếu trong độ tuổi từ 25- 49 tuổi.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp mà công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt nhiều kết quả. Nếu so với mục tiêu 90-90-90 thì về cơ bản Vĩnh Long đạt được từ 80%.

SÔNG TRĂNG