Nâng kiến thức, giảm biến chứng nhồi máu cơ tim

Cập nhật, 16:04, Thứ Sáu, 21/12/2018 (GMT+7)

 

Bên cạnh điều trị, việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng cần được các cơ sở y tế quan tâm.
Bên cạnh điều trị, việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng cần được các cơ sở y tế quan tâm.

Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch rất nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc tim, rối loạn nhịp tim và gây tử vong rất cao. Tài liệu y khoa thống kê thế giới mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim cấp, trong đó 25% bệnh nhân chết trong giai đoạn cấp của bệnh.

Kiến thức về bệnh nhồi máu cơ tim của người bệnh góp phần quan trọng và quá trình điều trị đồng thời ngăn ngừa những biến chứng xấu có thể xảy ra.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ Trưởng khoa Nội tim mạch- Lão khoa Huỳnh Kim Phương, cử nhân điều dưỡng trưởng khoa- Võ Thị Thanh Hạnh và điều dưỡng Trương Thị Khánh An tiến hành khảo sát kiến thức của bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp về bệnh lý nhồi máu cơ tim tại khoa.

Nghiên cứu tập trung các mục tiêu: đánh giá kiến thức của bệnh nhân về bệnh nhồi máu cơ tim (yếu tố nguy cơ tim mạch, triệu chứng, biến chứng, dinh dưỡng, hoạt động thể lực trong và sau nhồi máu cơ tim); các yếu tố liên quan đến kiến thức của bệnh nhân nhồi máu cơ tim (tuổi, giới, địa dư, trình độ học vấn).

Cử nhân điều dưỡng Võ Thị Thanh Hạnh cho biết, qua khảo sát 80 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp vào khoa từ tháng 5- 9/2018, đã ghi nhận người từ 70 tuổi bị nhồi máu cơ tim cao nhất (55%). Mặc dù độ tuổi dưới 40 bị nhồi máu cơ tim chiếm thấp (2,5%) nhưng cho thấy bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và ngày càng trẻ hóa.

Kết quả nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, biến chứng, dinh dưỡng, hoạt động thể lực trong và sau nhồi máu cơ tim cho thấy, hầu hết đối tượng hiểu đúng. Đa số đối tượng biết yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch là tăng huyết áp (77 người, chiếm 96,3%), đái tháo đường (69 người, chiếm 86,3%), béo phì (80%), tiền sử gia đình có bệnh tim mạch sớm (77,5%).

Tuy nhiên, có một số đối tượng hiểu chưa đúng, cho rằng thói quen ngồi lâu, ít vận động (chiếm 25%), uống rượu, bia (30%) và ăn nhiều mỡ, da, gân, phủ tạng động vật (40%) không là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ở kiến thức về biến chứng của nhồi máu cơ tim, phần lớn bệnh nhân nói rằng bệnh gây biến chứng tử vong đột ngột, suy tim.

Khi khảo sát kiến thức người bệnh nhồi máu cơ tim về chế độ dinh dưỡng và vận động trong và sau nhồi máu cơ tim, kết quả rất khích lệ: 100% bệnh nhân biết phải ăn nhạt, giảm muối; vận động nhẹ tại giường (100%); cảm thấy mệt, ngưng tập (97,5%). Tương tự, tỷ lệ chiếm thấp là ăn phủ tạng động vật (31,3%); dùng chất kích thích (30%) và ăn đồ hộp, đóng gói (15%).

Theo nhóm nghiên cứu, sự hiểu biết đúng của bệnh nhân qua khảo sát có thể do sự giải thích về bệnh, quá trình điều trị rõ ràng của bác sĩ cộng thêm hướng dẫn chăm sóc tận tình, giáo dục sức khỏe đầy đủ của đội ngũ điều dưỡng.

Các điều dưỡng Võ Thị Thanh Hạnh và Trương Thị Khánh An trong khảo sát cho biết, có mối liên quan giữa trình độ học vấn và kiến thức với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Cụ thể đối tượng mù chữ ít biết đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá... là các yếu tố nguy cơ.

Từ khảo sát này, nhóm thực hiện đề tài cho rằng, truyền thông là một trong các biện pháp để nâng kiến thức, hành vi, hiệu quả điều trị người bệnh nhồi máu cơ tim. Với bệnh viện cần tuyên truyền rộng rãi cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh và cộng đồng về các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim... ở khu khám, khu chờ kết quả cận lâm sàng bằng nhiều hình thức.

Các khoa phòng cần lồng ghép giáo dục sức khỏe về bệnh nhồi máu cơ tim vào cuộc họp hội đồng người bệnh hàng tuần. Với các điều dưỡng chăm sóc, cần tăng cường hướng dẫn, giáo dục chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý trong và sau nhồi máu cơ tim cấp cho bệnh nhân; đồng thời ý thức ghi chép hướng dẫn vào hồ sơ bệnh án.

Các bác sĩ, điều dưỡng trong nghiên cứu cho biết: Năm 2017, số bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhập viện tại Khoa Nội tim mạch- Lão khoa là 292. Từ ngày 1/1-30/11/2018, số này là 328 bệnh nhân. Trước đề tài này, chưa có đề tài nào khảo sát kiến thức của người dân về bệnh nhồi máu cơ tim.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN